Thứ Hai, 25 tháng 4, 2016

Nhạc phẩm Đồng Nai Mùa Sầu Riêng do Thanh Dạ ghi lại từ WEBLOGS của Nhạc Sỹ Trần Viết Bính

Người phổ nhạc thành công bài thơ “Đồng Nai mùa sầu riêng”


VĂN HÓA
HOẠT ĐỘNG
Người phổ nhạc thành công bài thơ “Đồng Nai mùa sầu riêng”
BÙI QUANG TÚ
Làng âm nhạc Việt Nam có nhiều nhạc sĩ phổ thơ rất thành công, trong đó có nhạc sĩ Trần Viết Bính. Có thể nói với việc phổ nhạc bài thơ “Hạt gạo làng ta” của Trần Đăng Khoa như đã “đóng đinh” tên tuổi của ông. Tác giả bài thơ “Hạt gạo làng ta” đã từng ca ngợi ông là “người nhạc sĩ tài hoa đã biến bài thơ tèng tèng thành bài hát hay”. Tuy nhiên, ít người biết và nhắc đến bài hát “Đồng Nai mùa sầu riêng” - mà theo tôi, một ca khúc hay về Đồng Nai mà nhạc sĩ Trần Viết Bính đã phổ nhạc rất thành công.
Tác giả bài thơ “Mùa sầu riêng” là anh Thanh Dạ, tên thật là Nguyễn Duy Dự - một thầy giáo dạy văn ở huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Chúng tôi cùng vượt Trường Sơn đi vào chiến trường, cùng về Ban Tuyên huấn tỉnh Biên Hòa. Hồi ở trong rừng, tôi và anh Dự từng đi làm rẫy, đi địa bàn với nhau. Sau giải phóng, chúng tôi về Ty Giáo dục tỉnh Đồng Nai, anh ở bên thanh tra, tôi ở phòng phổ thông. Do đam mê làm thơ, anh chuyển sang Hội Văn nghệ Đồng Nai một thời gian. Sau đó, vì hoàn cảnh gia đình anh chuyển về quê Nam Sách, tỉnh Hải Dương tiếp tục làm nghề dạy học. Hiện nay anh đã nghỉ hưu tại quê nhà. 

Untitled-1.jpg
Bài thơ “Mùa sầu riêng” của anh đã được nung nấu từ những chuyến công tác cơ sở và đến thăm một gia đình cách mạng ở xã Phước Nguyên, huyện Long Thành. Đó là những năm 1976 - 1977. Gia đình có hơn mười người con. Con của bà cụ chủ nhà là một cô giáo đã dẫn chúng tôi đi trong vườn sầu riêng và chỉ cho thấy một căn hầm bí mật trong vườn - nơi cô và gia đình đã nuôi giấu một anh chiến sĩ. Bài thơ được thai nghén từ đấy, viết từ lời của một người con gái: “Giấu anh trong vườn cây/Dưới gốc sầu riêng nhỏ/Mặc quân thù ruồng bố/Vẫn thương anh vẹn tròn”.

Ở những khổ thơ tiếp theo là sự chia ly giữa anh và em, anh chiến sĩ tạm biệt cô gái khi “đại quân mình về tới” và hẹn mùa sầu riêng sẽ trở lại: “Rồi mùa xuân năm nào/Đại quân mình về tới/Tạm biệt em, anh đi/Vườn sầu riêng đợi/Anh đi còn dặn lại/Sẽ trở về Phước Nguyên/Khi đất trời bình yên/Khi mùa sầu riêng chín”.

Người con gái đợi chờ, mong nhớ trong khắc khoải - khi mùa sầu riêng đến: “Anh cứ đi xa mãi/Để vườn sầu riêng nghiêng/Ôm kỷ niệm thiêng liêng/Căn hầm trong lòng đất/Để sầu riêng cất mật/Để sầu riêng ngọt ngào/Để thương nhớ dâng trào/Mỗi mùa sầu riêng chín!...”.

“Mùa sầu riêng” là một bài thơ hay của nhà thơ Thanh Dạ. Năm 1980, khi mới chuyển công tác từ Nam Định vào Đồng Nai, nhạc sĩ Trần Viết Bính đã được nhà thơ tặng bài thơ này. Bài hát “Đồng Nai mùa sầu riêng” trình làng văn nghệ Đồng Nai, ra mắt khán giả Đồng Nai từ đó. Nếu với bài thơ “Hạt gạo làng ta” nhạc sĩ phổ nguyên bài thơ chỉ đổi mỗi từ “ khẩu súng” thành “cây súng” thì với “Đồng Nai mùa sầu riêng” ông sáng tạo rất nhiều về ca từ, nâng bài hát lên rất cao. Trước hết là cái địa danh Phước Nguyên được đổi thành Đồng Nai. Sầu riêng thì các tỉnh Nam bộ nơi nào cũng có nhưng sầu riêng gắn với một câu chuyện tình, một tâm hồn nhớ thương cháy bỏng, day dứt khôn nguôi thì chỉ có trong bài hát này. “Đồng Nai mùa sầu riêng” đã được đóng dấu triện Đồng Nai. Có những đoạn nhạc sĩ vẫn giữ nguyên, mở đầu bài hát cũng chính là khổ thơ đầu: “Giấu anh trong vườn cây/Dưới gốc sầu riêng nhỏ/Mặc quân thù ruồng bố/Vẫn thương anh vẹn tròn”.

Có những đoạn nhạc sĩ thêm vào: “Trong căn hầm con con/có anh nuôi chí lớn/những đêm xưa rùng rợn/vẫn ngời lên ánh sáng”. Có những đoạn chỉ sửa một từ “năm nào” thành “không quên” (“Rồi mùa xuân không quên. Đại quân mình về tới). Có đoạn sửa hẳn một câu: “Anh cứ đi xa mãi” thành “Anh đi xa em nhớ”. Tôi đánh giá rất cao sự sáng tạo về ca từ của nhạc sĩ Trần Viết Bính trong đoạn cuối của bài hát: “Anh đi còn dặn lại/sẽ trở về Đồng Nai/khi lũ giặc thù kia/không còn ngoài biên giới/anh đi còn dặn lại/sẽ trở về Đồng Nai/Khi đất trời bình yên/anh sẽ về bên em”.

Thời điểm ra đời bài thơ - năm 1977, chiến tranh biên giới chưa nổ ra. Nhưng bài hát sáng tác vào năm 1981, khi chiến tranh biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam của Tổ quốc đã xảy ra, nhạc sĩ đã khéo lồng ghép sự kiện này vào bài hát. Là người lính thì “đâu có giặc là ta cứ đi” cho nên lời thề hẹn sẽ về Đồng Nai chưa thể thực hiện được. Người con gái khắc khoải, thương nhớ dâng trào, tin tưởng người con trai sẽ trở về. Cả bài hát gắn liền với kỷ niệm: vườn sầu riêng, căn hầm, chia ly. Nhưng cao hơn cả là khát vọng hòa bình, khát vọng có cuộc sống bình yên và khát vọng hạnh phúc lứa đôi. Người nhạc sĩ đã “đọc” được từ tâm hồn của con người Việt Nam - khi sau 1975 chúng ta đã mấy chục năm ròng chiến đấu hy sinh  để giành độc lập, thống nhất, chiến tranh biên giới nổ ra, người lính lại tiếp tục cầm súng bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng. Tôi chợt nhớ tới bài hát “Em vẫn đợi anh về” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp (phổ thơ Lê Giang) cũng sáng tác vào thời điểm này. Nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã “nuôi” cảm xúc từ những năm chống Mỹ, trong thời kỳ chiến tranh biên giới bắt gặp bài thơ của Lê Giang, ông viết bài hát thể hiện khát vọng hòa bình , khát vọng hạnh phúc lứa đôi nhưng ca từ thì diễn tả cái mơ ước rất giản dị, cụ thể và cảm động: “Chờ phút giây bình yên/đợi đạn bom ráo tạnh/để được gần bên anh/để được ghen để được hờn/để được thương để được giận/để thành chồng thành vợ và để cùng hôn con”.

Hai bài hát cùng một nỗi khát khao rất đỗi con người. Với bài “Đồng Nai mùa sầu riêng” dù tôi không am hiểu về giai điệu nhưng khi nghe hát (qua giọng ca Như Hảo và nhiều ca sĩ khác) thấy rất xúc động. Nét nhạc của nhạc sĩ Trần Viết Bính giản dị , mộc mạc mà sâu lắng, thiết tha.

Dù còn nhiều ca khúc và công trình nghiên cứu về âm nhạc khác, nhưng chỉ với “Hạt gạo làng ta” và “Đồng Nai mùa sầu riêng” thôi cũng đủ được người yêu nhạc nhớ đến nhạc sĩ Trần Viết Bính. 

Thứ Tư, 13 tháng 4, 2016

ĐÀNH TỰ NHỦ



Người-Yêu-Tôi giờ lại có người yêu
Tôi bỗng hóa thành Người-Yêu-Cũ
Lòng buồn thảm...Nhưng đành tự nhủ
Đời bây giờ "hoài cổ" chắc nhiều hơn !

Phố Quê 13/4/2016
(thơ sưu tầm nhầm)
THANH DẠ NGUYỄN

GIỌNG HÁT CHÁU TÔI - CA SĨ TRẦN PHƯƠNG MAI !

Thứ Năm, 7 tháng 4, 2016

THƠ THANH DẠ TRÊN "LỤC BÁT.COM"

Chùm thơ của những người yêu thơ Lục Bát tỉnh Hải Dương (06/04/2016) 
         Sáng ngày mồng 5 tháng 4 năm 2016 Nhạc sỹ Trần Viết Bính Hội viên Hội Nhạc Sỹ Việt Nam. Hội viên Hội Văn Nghệ Dân gian Việt Nam cư trú tại Tỉnh Đồng Nai, đã bay từ sân bay Tân Sơn Nhất đến sân bay Cát Bi Hải Phòng để về Nam Sách Hải Dương, quê hương của Nhà thơ Trần Đăng Khoa và Nhà thơ Thanh Dạ. Nhạc sỹ Trần Viết Bính đã phổ nhạc Bài hát “Hạt gạo Làng ta” Thơ Trần Đăng Khoa và bài hát” Đồng Nai mùa Sầu riêng” thơ Thanh Dạ. Nhạc sỹ về gặp các nhà thơ có thơ được phổ nhạc nói trên để bổ sung hồ sơ về giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước năm 2016 (5 năm phát thưởng một lần).


       Nhà thơ Thanh Dạ đón nhạc sỹ Trần Viết Bính tại Phố Hóp, Xã Nam Hồng, Huyên Nam Sách, Tỉnh Hải Dương

 
Nhạc sỹ Trần Viết Bính (phải) và nhà thơ Thanh Dạ
Tác giả bài hát" Đồng Nai Mùa Sầu Riêng" . Nhạc Trần Viết Bính, thơ Thanh Dạ.
ca khúc "Đồng Nai mùa sầu riêng "được bình chọn là một trong mười bài hát hay nhất viết về Đồng Nai dịp kỷ niệm 310 năm Biên Hòa – Đồng Nai và được tặng thưởng Sao vàng Đồng Nai (2008), Giải B (không có giải A) của Hội nhạc sĩ Việt Nam 2011.

 

Vợ chồng nhà thơ Thanh Dạ, Nhạc sỹ Trần Viết Bính và BTV Lục Bát. vn Hồ Đình Bắc

 

Nhạc sỹ Trần Viết Bính (phải) và Nhà thơ Trần Đăng Khoa
Tác giả bài hát "Hạt gạo làng ta" Nhạc Trần Viết Bính, thơ Trần Đăng Khoa.
Ca khúc "Hạt gạo làng ta" (thơ Trần Đăng Khoa) được bình chọn là một trong năm mươi bài hát thiếu niên hay nhất thế kỷ XX với bằng chứng nhận của bốn cơ quan: Hội nhạc sĩ Việt Nam, Báo Thiếu niên Tiền phong, Đài truyền hình Việt Nam, Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn bình chọn là một trong hai mươi bài hát hay nhất viết về nông thôn, nông nghiệp, nông dân Việt Nam từ 1945 đến nay.


LỊCH SỬ

Lịch sử là của những người
Làm nên công đức tuyệt vời cho dân
Lịch sử là lịch tri ân
Những ai khai sáng tinh thần hậu sinh

NGƯỜI NGOAN

Cổ kiêu ba ngấn hẳn hoi
Nụ cười rạng rỡ như người đang xoan
Rõ ràng đích thực người ngoan
Để lòng anh phải mưu toan tỏ tình

BIỂN ĐÔNG

Biển Đông bao kiếp bao đời
Không ngừng sóng dựng không ngơi gió cuồng
Dữ dằn một nỗi yêu thương
Trở trăn vạn nỗi tơ vương ngàn đời

MONG ƯỚC ĐẦU XUÂN

  
Chỉ mong ngày tháng năm dài
Vẫn là một nhánh đào phai giữa đời
Dẫu không sắc nước, hương trời
Xuân về ai cũng muốn mời rước ta.

Thanh Dạ ( Nguyễn Duy Dự )

Thứ Hai, 4 tháng 4, 2016

MẶT TRỜI GIỮA BUỔI THANH MINH




Người mong, kẻ đợi bời bời
Hôm nay mới thấy Mặt Trời ló ra
Mặt trời méo mó như ma
Đâu còn sáng láng như là...ngày xưa !



Phố Quê 14h04' 04/4/2016

THANH DẠ NGUYỄN

VỊT...ĐỒNG !


Chủ Nhật, 3 tháng 4, 2016

THANH MINH

THANH MINH








Mịt mù, mù mịt....đã lâu
Bây giờ đến hẹn - ngõ hầu Thanh Minh
Hãy TRONG hãy SÁNG từ mình
Cho Trời kia phải thuận tình sáng theo !



Phố Quê 02/4/2016 
(25/2/Bính Thân)
THANH DẠ NGUYỄN