Thứ Hai, 29 tháng 9, 2014

BÀI TRÊN TRANG BẠN - THANH MAI FB

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

CÁC NHÀ THƠ TRẦN NHƯƠNG, LÊ ĐẠT VÀ
DƯƠNG TƯỜNG VỚI ĐỔI MỚI THƠ CA
Mai Thanh

Tôi chọn ba nhà thơ trên –một người đổi mới chủ yếu về ý tưởng; hai người đổi mới chủ yếu về hình thức ngôn từ.
I.
Trần Nhương với “Gió làng ta xanh xanh ngát” – một cây bút thơ đổi mới chủ yếu về ý tưởng.
1. Các nhân vật tôn vinh là những chân dung theo cách nhìn mới, không đơn thuần là một việc làm tốt – theo cách “người tốt việc tốt”, mà là một hành động có ý nghĩa phi thường, Đó là ông Trần Văn Cho làm nghề nhặt rác, ở tổ 28, phường Thuận Phước (Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng) nhặt được 45 triệu đồng đã nộp công an để trả lại người mất:
Ông Cho ngày đi bới rác
Cuộc sống của mình rác nuôi? Không ăn của dân
Không cướp của dân /
Không nhân danh thánh thiện ...
Chẳng nhiều lời
Và không làm ngược lại
(Ông bới rác làm theo Cụ Hồ, tr.101)
Cũng là phi thường, vào thơ Trần Nhương là anh sáu Dân - Cố thủ tướng Võ Văn Kiệt – tuy đã chết nhưng thành bất tử, được “lòng dân dựng miếu tôn thờ”. Bài thơ có ý nghĩa biết bao, khi mà những người mệnh danh là “đầy tớ của dân” đã tước đoạt của dân nhiều thứ - kể cả niềm tin , thì Võ Văn Kiệt để lại cho dân nhiều thứ: Một mênh mang đồng đất Tây Nam Bộ cho thóc gạo xuất khẩu mùa này qua mùa khác; một đường dây 500kw trang trải điện năng cho đất nước dằng dặc chiều dài; một Dung Quất tăng giá trị dầu thô gấp nhiều lần qua chế biến dầu thô; một nạn đốt pháo nổ hại người, tốn của bị xóa đi theo hủ tục ngàn đời... Và, hơn tất cả là lòng thương dân của ông không phải trên lời nói, mà trên mọi việc làm. Vào thơ Trần Nhương còn là những người bạn văn chương mỗi người một tính cách, nhưng là những con người thật sự đáng yêu, mà Hoàng Công Khanh là một ví dụ - một con người văn chương mà sao rất đỗi bình thường:
Một tay nuôi bốn con dại
Thợ nề, thợ mộc kiếm cơm
Vợ ốm chăm lo chẳng ngại
Vẫn giữ lòng mình ngát hương...
(Phương Mai thôi chẳng một lần, tr.113)
2.Dùng chữ “quan điểm” có vẻ nặng về ngôn ngữ chính trị, ít chất văn chương, nhưng không thể dùng chữ khác để nói về quan điểm nhân dân của Trần Nhương trong tập thơ này. Anh định nghĩa nhân dân như sau:
Nhân dân là lá lành đùm lá rách
Nhân dân là chị ngã em nâng
Nhân dân là một miếng khi đói bằng một gói khi no
(Nhân dân của tôi ơi, tr.119)
Dĩ nhiên, đó mới chỉ là một khía cạnh phẩm chất của nhân dân. Tiếp theo, nhà thơ bộc lộ lòng mình với nhân dân nghe mà thao thiết biết bao:
Nhân dân của tôi ơi
Cảm ơn Người đã làm ta vững dạ
Nhân dân nghìn lần cao cả
Hơn tất cả thánh thần hư vô
(Nhân dân của tôi ơi, tr.120)
Vì có quan điểm nhân dân sâu sắc, nên nhìn tấm ảnh tổng thống Mỹ uống bia vỉa hè, Trần Nhương có thơ:
Ông Obama uống bia vỉa hè
Ngồi bên những người lao động
Một đĩa bim bim hay đậu phộng
Tổng thống cùng nhâm nhi”
(Vịnh tấm ảnh Obama uống bia vỉa hè, tr. 109)
Nhà thơ ca ngợi hành vi ấy của tổng thống là vĩ đại (“Có thể ông ấy mị dân/Nhưng dám mị dân giữa đồng bào là vĩ đại” (đã dẫn trên), rồi nhà thơ kết luận: Obama Obama/Ông đi ăn quán /Ông uống bia vỉa hè /Ông mang tổng thống đến nhân dân /Ông mang nhân dân vào dinh tổng thống
(Vịnh tấm ảnh Obama uống bia vỉa hè, tr110)
Đến đây, tôi bỗng nhớ tới bài thơ “Những câu hỏi của một bạn đọc công nhân” (Die Fragan eines lesenden Arbeiter) của Bertolt Brecht – nhà thơ lớn, kịch gia lớn của nước Đức – bài thơ chứa đầy ý tưởng sáng ngời rằng: “Không phải người đứng đầu, mà là nhân dân lao động làm nên lịch sử!”.
3. Trong “Gió làng ta xanh ngát” có một mạch thơ ẩn chứa tư tưởng phản biện- một ý tưởng trong đời thường được phản ánh vào thơ như là nỗi niềm nhà thơ. Nhà thơ tự trào nói về mình vui cảnh gia viên, nghĩ về bạn âu lo quyền chức (Tự trào, tr.10); ngẫm về cái cao sang và cái thấp hèn không như người đời vẫn nghĩ, mà ngược lại: Cỏ vẫn mướt chân đê ngày tháng mới/Hoa cứ tàn bạc cánh lối người qua...”(Vớ vẩn thôi mà, tr.56). Trong khi mọi người “khoái mục” và “khoái khẩu” với trò chọi trâu, thì Trần Nhương xót thương con trâu không chỉ với kiếp cày mà còn với kiếp chọi:
Nào thù nào oán gì đâu
Kéo cày là phận, dãi dầu là thân
Chia nhau vạt cỏ xanh ngần
Sớm cười toét miệng, trưa nằm cọ lưng
Kiếp trâu sỏ mũi buộc thừng
Thương nhau cùng cảnh quây quần bên nhau!
Vì đâu chẳng hiểu vì đâu?
Người ta bắt phải đối đầu tử sinh
Chiêng khua, trống thúc thình thình
Nào roi, nào gậy thất kinh vía hồn
Bạn bè sừng gẫy máu tuôn
Bên thua bên thắng cũng buồn ngang nhau
Chỉ người đắc chí sở cầu
Vui như gái góa đã lâu lấy chồng...
(Chọi trâu, tr.71).
Theo tinh thần phản biện, chọi trâu cứ nghĩ là một nét văn hóa đẹp, nhưng không! Đó là một tục lệ ẩn chứa nỗi đau của vật – cũng tức nỗi đau của người! Thơ Trần Nhương phản biện như vậy đó!
II.
Đổi mới về phương pháp thể hiện thơ ca cũng là một nét đáng kể của nền thơ Hà Nội. Ở đây, xin kể đến hai nhà thơ Lê Đạt và Dương Tường - hai trong số những tác giả tiêu biểu.
1. Người ta nói nhiều đến bài thơ “Bóng chữ” và tập thơ “Bóng chữ” của ông:
Bóng chữ
Xa em rồi anh mới thấy em
Như một thời thơ nhỏ
Em về trắng đầy cong khung nhớ
Mưa mấy mùa mây mấy độ thu
Vườn chợt thức một mùa hoa đi vắng
Vườn chợt thức một mùa hoa đi vắng
Em vẫn đây mà em ở đâu?
Chiều Âu Lâu
Chiều Âu Lâu
Bóng chữ động chân cầu
Lê Đạt luôn coi trọng chữ nghĩa trong thơ nên còn được gọi là nhà thơ "vị chữ".
Âu Lâu - địa danh trong tác phẩm là tên một xã thuộc thành phố Yên Bái - tỉnh Yên Bái - nơi mà Lê Đạt đã sinh ra, cũng là tên của bến phà Âu Lâu nổi tiếng trong hai cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc. Năm 1993 đã có một cây cầu nối giữa hai bờ sông Hồng, nối liền hai bến Âu Lâu. Chỉ cái tên riêng ấy thôi đã gợi lên bao điều về mảnh đất này.
Thơ Lê Đạt tràn ngập những câu chữ "độc sáng". Những vần thơ "như một thời thơ thiếu nhỏ", "Em về trắng đầy cong khung nhớ" hay "vườn thức một mùi hoa đi vắng", đó là những câu chữ "rất riêng", mà ta chỉ có thể bắt gặp ở Lê Đạt. Những câu thơ ấy gợi nhiều điều sâu đậm vế hoài niệm tuổi thơ, về nỗi nhớ tình yêu…
2.Về bài thơ “Dương cầm lạnh” của Dương Tường
Chờ em đường dương cầm xanh
Dậy thì nõn dương cầm phố
Chờ em đường dương cầm sương
chúm chím nụ dương cầm biếc
Chờ em đường dương cầm xiêm
vằng vặc ngực dương cầm trinh
Chờ em đường dương cầm khuya
Ôi cái im đêm thơm mọng
Chờ em đường dương cầm trăng
Ứa nhụy lạch dương cầm xuân
Chờ em đường dương cầm mưa
giọt giọt lá buồn dạ khúc
Xào xạc lòng tay khuya
Anh về lối dương cầm lạnh.
Chỉ những thi từ-thi ngữ lạ về trạng thái mà trên con đường có tiếng dương cầm thánh thót biểu hiện hết sức đa dạng tình yêu của anh đối với em thế nào rồi!
Cả hai bài thơ “Bóng chữ” và “Dương cầm lạnh” đều bắt đầu từ câu chữ để biểu hiện tuyệt vời ý tưởng - nội dụng – khác với cách của phương pháp thi ca khác là dường như ý tưởng đã được mặc định và câu chữ là phương tiện biểu hiện sự mặc định ấy!
Bằng những gì trình bày trên đây, bài biết này muốn nói rằng, thơ Hà Nội đã có những cách tân đáng kể về ý tưởng - nội dung cũng như về hình thức thể hiện! Và hiện nay, những cách tân theo hướng ấy vẫn tiếp tục tiến bước , góp phần đưa nền thi ca nước nhà tiến lên bước bước mới cao hơn.