Thứ Hai, 24 tháng 12, 2012

RAU LÀM THUỐC


Rau ngon thuốc lành

Rau không chỉ ăn ngon và mát, nếu biết sử dụng dược liệu trong rau thì chúng còn trở thành… “vệ sĩ” đánh lui các bệnh thông thường.

>> Sống thanh đạm, lòng có được nhẹ nhàng?
>> Anh Thư khoe dáng 'nuột' tuổi 30

 
Rau muống
Theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam do GS Đỗ Tất Lợi biên soạn, rau muống chứa nhiều khoáng chất canxi, photpho, sắt. Các sinh tố có trong rau muống gồm: C, B1, B2, PP... Ngoài ra, trong rau muống còn có đạm (3,2%), đường (2,5%), xơ (1%). Với thành phần này, rau muống không hổ danh là “sâm” của người có thu nhập thấp. Ngoài công dụng làm rau ăn sống, rau muống còn được xào, nấu canh, luộc… hoặc được dùng để làm mất tác dụng phụ của các thuốc đã uống bằng cách rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước uống. Song, điều cần quan tâm rau muống phải là rau sạch nếu không sẽ ngộ độc kép!

Rau đắng
Rau đắng tính bình vì thế phù hợp với nhiều đối tượng. Trong dân gian, người ta dùng rau đắng để làm thuốc lợi tiểu, chữa đái buốt, sỏi thận. Ngày uống 12g rau đắng phơi hoặc sấy khô dưới dạng thuốc sắc chữa được bệnh tiểu tiện khó, đái buốt, đái ra sỏi…
Rau má
Là loại rau lành nhờ tính bình, không độc. Rau má được dùng để làm nước giải khát giúp giải nhiệt, giải độc cho cơ thể. Món nước càng công dụng hơn khi kết hợp với đậu xanh hấp chín, xay nhuyễn. Để chữa rôm sảy, nổi mụn, chỉ cần ăn rau má trộn dầu giấm, uống nước rau má mỗi ngày. Rau má luộc ăn chữa được bệnh đi tiêu lỏng.
Rau má được dùng để làm nước giải khát giúp giải nhiệt, giải độc cho cơ thể (Ảnh: Internet)
Rau ngải cứu
Món ăn thường làm với rau này là ngải cứu chiên trứng gà. Đây là món không những lợi khí huyết cho phụ nữ mà còn có công dụng hỗ trợ tiêu hóa. Người dân vùng núi các tỉnh phía Bắc nước ta dùng ngải cứu chưng cách thủy với hột vịt lộn và một số vị thuốc để bồi bổ cơ thể. Đông y dùng ngải cứu như vị thuốc điều kinh, an thai, chữa đau bụng do hàn, kinh nguyệt không đều, động thai. Khi dùng để làm thuốc điều kinh, cần dùng trước khi có kinh, uống mỗi ngày 6 - 12g hãm với nước sôi như hãm chè xanh, chia làm nhiều lần uống trong ngày.
Rau tần dày lá
Rau có vị thơm nên thường được bà con đồng bằng sông Cửu Long dùng làm rau gia vị xắt nhỏ bỏ vào canh chua, ăn vừa thơm ngon vừa tốt cho sức khỏe. Rau tần còn được dùng làm nguyên liệu để chế thuốc trị ho cho trẻ em rất công hiệu. Nếu trong nhà có trồng cây này thì chỉ cần hái từ năm-bảy lá rửa sạch, ngâm nước muối sau đó nhai và ngậm cũng giảm ho.
Rau cải cúc
Món rau cải cúc được dùng để nhúng lẩu. Chỉ cần gắp rau “dạo một vòng” qua nồi nước dùng đang sôi là có món rau ngon ngọt để ăn. Rau cúc còn dùng để nấu canh với thịt nạc hoặc tôm tươi. Nhưng điều ít ai biết là khi cơ thể cảm thấy mệt mỏi, biếng ăn, chỉ cần ăn rau cúc nhúng tái là thấy ngon miệng trở lại. Khi trẻ bị ho, dùng 6g lá cải cúc xắt nhuyễn bỏ vào chén, thêm chút đường trắng, khi cơm gần cạn thì cho vào hấp. Cho trẻ uống nước rau hấp này nhiều lần trong ngày sẽ dịu cơn ho. Tuy nhiên, trong trường hợp dùng cả ngày mà cơn ho không thuyên giảm, tiếng ho ngày càng có âm vang tức là đã nhiễm trùng, nên đưa đi bác sĩ để điều trị bằng kháng sinh.
Diếp cá
Thường xuất hiện chung với húng quế, húng lủi, rau răm, tía tô, xà lách. Các loại rau này thường được dùng để cuốn trong các món: bò bía, gỏi cuốn, bì cuốn, bánh xèo, bánh căng… hoặc dùng để xắt nhuyễn trong các món bún thịt nướng, bún chả… Các loại rau này có chứa tinh dầu nên có vị thơm làm dậy mùi món ăn, vừa có công dụng hỗ trợ tiêu hóa, giải cảm. Riêng diếp cá được dân gian dùng để trị bệnh trĩ rất hiệu nghiệm. Có hai cách, cách một sắc từ 6 - 12g lấy nước uống và xông hơi tại chỗ bị trĩ. Cách hai, dùng diếp cá nhiều hơn bình thường một chút và dùng thường xuyên khiến cho trĩ không thể “ló mặt” nhìn đời!