Thứ Ba, 12 tháng 3, 2013

BỮA TIỆC 2000 MÂM Ở HẢI-DƯƠNG

Bữa tiệc 2.000 mâm xôn xao đất Hải Dương

Dân Hải Dương vẫn chưa hết xôn xao về bữa tiệc 2.000 mâm mà phủ Mẫu The đãi khách dịp rằm tháng giêng. Mỗi năm, nơi này có ba bận bày cỗ cả ngàn mâm như thế.

Mỗi năm phủ Mẫu The có ba ngày trọng đại: Rằm tháng Giêng, ngày mở cửa phủ đầu năm, ngày lễ chính 13/3 âm lịch. Những ngày đó, mẫu biện cả ngàn mâm cơm để thết hàng vạn khách thập phương từ khắp nơi dồn về. Làng Vũ Xá những ngày đó, đường làng cũng bị… tắc vì quá nhiều ô tô, xe máy đổ về.
 
2.000 mâm cỗ tắc cả đường làng
2.000 mâm cỗ tắc cả đường làng
Câu chuyện về Mẫu The làm hàng ngàn mâm cỗ thết khách thập phương trong ngày Rằm tháng Giêng vừa qua vẫn còn xôn xao đầu thôn cuối xóm. Những người lạ đến làng sẽ khó tin câu chuyện đó là sự thực, nhưng không ít người quả quyết: “Nếu nhà anh không tin, thì tuần sau, ngày mở cửa phủ đầu năm, anh xuống mà tận mục!”.
Người dân nơi đây kể, để thiết đãi khách thập phương trong ngày lễ đền Mẫu Rằm tháng Giêng, Mẫu The đã tổ chức 2.000 mâm cỗ, cho gói 800 chiếc bánh chưng… nhưng vẫn không đủ phục vụ. Số người giúp việc cho Mẫu trên 50 người, không phân biệt nam nữ. Mỗi ngày, Mẫu trả công cho mỗi người là 200 nghìn đồng, thêm nhiều lộc như hoa quả, bánh kẹo… Công việc bắt đầu từ ngày 14 tháng Giêng đến ngày 16 tháng Giêng, chủ yếu là làm cỗ, bày cỗ và dọn dẹp. Mâm cỗ bày biện đủ món như xôi, thịt lợn, chả, miến nấu, rau xào… Ngày hôm đó, “mẫu” cho thịt hơn 2 tấn lợn,…
“Mâm nào hết cơm thì ăn bánh chưng, chúng tôi phải nấu nướng từ tối hôm trước đến tận hôm sau, nấu cả đêm chuẩn bị mà hôm sau vẫn còn vội”, một phụ nữ trong đội hình nấu nướng cho biết.
Theo nhiều người dân kể lại, ô tô đỗ dọc đường làng dài cả mấy km, tràn ra cả đường quốc lộ. “Chỉ có chen vào đền thôi, đố mà đi được thảnh thơi vào đền. Chen chúc nhau mà đi, đông lắm”, một người dân ở Vũ Xá cho hay.
Phủ mẫu The nhìn từ xa
Phủ mẫu The nhìn từ xa.
Có mặt ở đền mẫu sau ngày lễ rằm Tháng Giêng, cảnh tượng dọn dẹp, rửa xoong nồi bát đĩa, sân vườn còn ngổn ngang, tấp nập. Các chị em phụ nữ giặt rửa thau chậu, xoong nồi, quét dọn vườn tược, nhặt rác quét lá. Cánh đàn ông khỏe mạnh thì xách nước rửa nền nhà, rửa sân… Mãi đến cuối chiều, công việc mới có phần hoàn tất.
Một tuần sau chúng tôi trở lại đúng ngày mẫu mở phủ đầu năm, vẫn thấy cảnh tượng tấp nập, chen lấn xô bồ như ngày làng mở hội.
Trên khoảng sân rộng của khu chính điện, hàng ngàn con nhang, đệ tử ngồi sắp thành một hàng dài, trên chiếc bạt hay chiếu trải trên mặt sân, người nọ ngồi san sát người kia.
Vì khu điện thờ được “mẫu” tự tay thiết kế nên quy hoạch của phủ Mẫu The có lẽ chẳng giống ai: khu chính điện đối diện với cổng chính vào phủ; bên tay phải, ba khu điện thờ hai tầng sơn son thếp vàng, chạm trổ rồng phượng. Chính cách thiết kế này đã tạo ra những lối vào ngoằn nghoèo trên khoảng sân gạch rộng mênh mông, vốn đã bị những cây cổ thụ trồng trên sân chia cắt.
Dọc theo những lối vào đó, các con nhang, đệ tử theo mẫu The ai cũng mặc áo the, đội khăn xếp đỏ, mỗi người đội một mâm lễ để dâng lễ.
Những người không mặc đồng phục và dâng lễ thì kẻ đứng người ngồi nhấp nhổm trên sân. Một số lượng không ít những người khác thì lê la bên những hàng quán mọc lên ở hai bên ngõ vào. Tiếng mẫu The lanh lảnh vọng ra từ một chiếc loa treo đâu đó. Hôm nay mẫu mở phủ đầu năm nên mẫu trực tiếp điều hành. Một phụ nữ trung niên cho chúng tôi biết.
Cả làng làm dịch vụ
Một khu sân vườn rộng mênh mông đối diện với cổng chính vào phủ có lẽ là khoảng không gian ngoài trời của quần thể phủ mẫu. Hai khu đất này tách biệt nhau bởi con ngõ xóm và cũng là lối đi chung của nhiều hộ dân khác.
Theo lời kể của người dân, khu điện thờ chính của phủ Mẫu The được xây dựng trên đất cũ; khu sân vườn là khu đất mới được mẫu mua lại ruộng từ bà con trong làng, rộng cả ngàn mét. Trên khu đất mới, mẫu cho xây mấy tòa nhà cao tầng kiên cố để làm hội trường, lại cho đào ao, đào ngòi chạy dọc để tạo cảnh quan, hai bên trồng cây xanh và đổ xi-măng, lát gạch làm lối đi.
Những ngày lễ lớn, hàng trăm mâm cỗ tinh tươm đã được bày sẵn ở đây chờ người ăn. Những người lần đầu tham dự đều cho rằng đây là cảnh tượng chưa từng được chứng kiến.
Một anh thanh niên đi lễ bảo: “Ai cũng được ăn. Cỗ này mẫu biện ra để mời khách, không phân biệt ai, mà nếu “phân biệt” cũng không kiểm soát được, vì hàng ngàn người cùng chen chúc như thế…”.
Cỗ mở phủ của mẫu vẫn là cỗ mặn, có gà, xôi, giò… Cỗ được bày thành ba khu, cùng tập trung cạnh chiếc giếng xây hình tròn ở trong tâm khoảng sân vườn này.
Dịch vụ trông xe.
Dịch vụ trông xe.
Ngày Lễ đền Mẫu làm chộn rộn cái không khí vốn trầm lắng của thôn Vũ Xá. Người người, nhà nhà nảy sinh dịch vụ, từ cái nhỏ nhất như cho thuê khu vệ sinh, đến cái lớn hơn như trông xe, rồi bán vàng hương, đổi tiền lẻ… Tất cả hoạt động bài bản khó tin, người nông dân thuần khiết bỗng chốc biến thành người làm dịch vụ, nhưng là làm dịch vụ 1 ngày.
Theo ghi nhận chung, phí đi vệ sinh là 2.000 đồng/ lần; phí gửi xe máy 5.000 đồng/ xe; xe con 20.000 đồng /xe; xe du lịch 30.000 đồng/ xe.
Ông Th, chủ cửa hàng bánh kẹo, vàng hương kiêm việc trông xe cho biết: “Cả năm mới được có 3 lần đền Mẫu đông vui như vậy, chúng tôi phải tận dụng cơ hội để kiếm thêm chút tiền. Xe ra xe vào, rồi cho thuê chỗ vệ sinh, nhà tôi cũng kiếm được cả triệu bạc”.
 
Dịch vụ trông xe.
Tận dụng cơ hội kiếm tiền có một không hai trong 1 năm nên người dân ở đây, dù biết được những mặt trái nhưng vẫn cố làm. Bà lão già bên cạnh đền Mẫu cho thuê cái khu vệ sinh cứ than thở: “Ôi giời ôi khu vệ sinh cứ gọi là khai nồng nặc, người ta đến đây đông lắm, chen chúc nhau, không có lối mà đi cơ mà. Tôi cứ phải ra giội nước, dọn dẹp cả ngày hôm sau mới hết”. Khi được hỏi bà có kiếm được nhiều tiền không thì bà cười: “Cũng được vài triệu/ngày”!
Theo Thiên Bình VietNamnet

BÀI TRÊN TRANG BẠN (LỀU VĂN THĂNG SẮC)

Người Trung quốc nghĩ gì về cách giáo dục của Mỹ



Sưu tầm, rất đáng đọc xem họ nghĩ như thế nào.
Giờ học văn bắt đầu. Hôm nay thầy giảng bài Chuyện Cô bé Lọ Lem.

Trước tiên thầy gọi một học sinh lên kể chuyện Cô bé Lọ lem. Em học sinh kể xong, thầy cảm ơn rồi bắt đầu hỏi.

Thầy: Các em thích và không thích nhân vật nào trong câu chuyện vừa rồi?

Học sinh (HS): Thích Cô bé Lọ Lem Cinderella ạ, và cả Hoàng tử nữa. Không thích bà mẹ kế và chị con riêng bà ấy. Cinderella tốt bụng, đáng yêu, lại xinh đẹp. Bà mẹ kế và cô chị kia đối xử tồi với Cinderella.

Thầy: Nếu vào đúng 12 giờ đêm mà Cinderella chưa kịp nhảy lên cỗ xe quả bí thì sẽ xảy ra chuyện gì?

HS: Thì Cinderella sẽ trở lại có hình dạng lọ lem bẩn thỉu như ban đầu, lại mặc bộ quần áo cũ rách rưới tồi tàn. Leo ôi, trông kinh lắm !


Thầy: Bởi vậy, các em nhất thiết phải là những người đúng giờ, nếu không thì sẽ tự gây rắc rối cho mình. Ngoài ra, các em tự nhìn lại mình mà xem, em nào cũng mặc quần áo đẹp cả. Hãy nhớ rằng chớ bao giờ ăn mặc luộm thuộm mà xuất hiện trước mặt người khác. Các em gái nghe đây: các em lại càng phải chú ý chuyện này hơn. Sau này khi lớn lên, mỗi lần hẹn gặp bạn trai mà em lại mặc luộm thuộm thì người ta có thể ngất lịm đấy (Thầy làm bộ ngất lịm, cả lớp cười ồ). Bây giờ thầy hỏi một câu khác. Nếu em là bà mẹ kế kia thì em có tìm cách ngăn cản Cinderella đi dự vũ hội của hoàng tử hay không? Các em phải trả lời hoàn toàn thật lòng đấy !


HS: (im lặng, lát sau có em giơ tay xin nói) Nếu là bà mẹ kế ấy, em cũng sẽ ngăn cản Cinderella đi dự vũ hội.

Thầy: Vì sao thế ?

HS: Vì … vì em yêu con gái mình hơn, em muốn con mình trở thành hoàng hậu.

Thầy: Đúng. Vì thế chúng ta thường cho rằng các bà mẹ kế dường như đều chẳng phải là người tốt. Thật ra họ chỉ không tốt với người khác thôi, chứ lại rất tốt với con mình. Các em hiểu chưa? Họ không phải là người xấu đâu, chỉ có điều họ chưa thể yêu con người khác như con mình mà thôi.
Bây giờ thầy hỏi một câu khác: bà mẹ kế không cho Cinderella đi dự vũ hội của hoàng tử, thậm chí khóa cửa nhốt cô bé trong nhà. Thế tại sao Cinderella vẫn có thể đi được và lại trở thành cô gái xinh đẹp nhất trong vũ hội ?

HS: Vì có cô tiên giúp ạ, cô cho Cinderella mặc quần áo đẹp, lại còn biến quả bí thành cỗ xe ngựa, biến chó và chuột thành người hầu của Cinderella.

Thầy: Đúng, các em nói rất đúng ! Các em thử nghĩ xem, nếu không có cô tiên đến giúp thì Cinderella không thể đi dự vũ hội được, phải không?

HS: Đúng ạ !

Thầy: Nếu chó và chuột không giúp thì cuối cùng Cinderella có thể về nhà được không ?

HS: Không ạ !

Thầy: Chỉ có cô tiên giúp thôi thì chưa đủ. Cho nên các em cần chú ý: Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta đều cần có sự giúp đỡ của bạn bè. Bạn của ta không nhất định là tiên là bụt, nhưng ta vẫn cần đến họ. Thầy mong các em có càng nhiều bạn càng tốt.
Bây giờ, đề nghị các em thử nghĩ xem, nếu vì mẹ kế không muốn cho mình đi dự vũ hội mà Cinderella bỏ qua cơ hội ấy thì cô bé có thể trở thành vợ của hoàng tử được không ?

HS: Không ạ ! Nếu bỏ qua cơ hội ấy thì Cinderella sẽ không gặp hoàng tử, không được hoàng tử biết và yêu.

Thầy: Đúng quá rồi ! Nếu Cinderella không muốn đi dự vũ hội thì cho dù bà mẹ kế không ngăn cản đi nữa, thậm chí bà ấy còn ủng hộ Cinderella đi nữa, rốt cuộc cô bé cũng chẳng được lợi gì cả. Thế ai đã quyết định Cinderella đi dự vũ hội của hoàng tử ?

HS: Chính là Cinderella ạ.

Thầy: Cho nên các em ạ, dù Cinderella không còn mẹ đẻ để được yêu thương, dù bà mẹ kế không yêu cô bé, những điều ấy cũng chẳng thể làm cho Cinderella biết tự thương yêu chính mình. Chính vì biết tự yêu lấy mình nên cô bé mới có thể tự đi tìm cái mình muốn giành được. Giả thử có em nào cảm thấy mình chẳng được ai yêu thương cả, hoặc lại có bà mẹ kế không yêu con chồng như trường hợp của Cinderella, thì các em sẽ làm thế nào ?

HS: Phải biết yêu chính mình ạ !

Thầy: Đúng lắm! Chẳng ai có thể ngăn cản các em yêu chính bản thân mình. Nếu cảm thấy người khác không yêu mình thì em càng phải tự yêu mình gấp bội. Nếu người khác không tạo cơ hội cho em thì em cần tự tạo ra thật nhiều cơ hội. Nếu biết thực sự yêu bản thân thì các em sẽ tự tìm được cho mình mọi thứ em muốn có. Ngoài Cinderella ra, chẳng ai có thể ngăn trở cô bé đi dự vũ hội của hoàng tử, chẳng ai có thể ngăn cản cô bé trở thành hoàng hậu, đúng không ?

HS: Đúng ạ, đúng ạ !

Thầy: Bây giờ đến vấn đề cuối cùng. Câu chuyện này có chỗ nào chưa hợp lý không ?

HS: (im lặng một lát) Sau 12 giờ đêm, mọi thứ đều trở lại nguyên dạng như cũ, thế nhưng đôi giày thủy tinh của Cinderella lại không trở về chỗ cũ.

Thầy: Trời ơi ! Các em thật giỏi quá ! Các em thấy chưa, ngay cả nhà văn vĩ đại (nhà văn Pháp Charles Perrault, tác giả truyện Cô Bé Lọ Lem - chú thích của người dịch) mà cũng có lúc sai sót đấy chứ. Cho nên sai chẳng có gì đáng sợ cả. Thầy có thể cam đoan là nếu sau này có ai trong số các em muốn trở thành nhà văn thì nhất định em đó sẽ có tác phẩm hay hơn tác giả của câu chuyện Cô bé Lọ lem ! Các em có tin như thế không ?

Tất cả học sinh hồ hởi vỗ tay reo hò.


Cảm nghĩ sau khi đọc bài “Người Mỹ giảng dạy chuyện Cô bé Lọ Lem như thế đấy”

Thời Hàn Băng (nhà báo Trung Quốc)

Bài “Người Mỹ giảng dạy chuyện Cô bé Lọ Lem như thế đấy” để lại trong tôi một ấn tượng mạnh hơn bất cứ lời bình nào về nền giáo dục của nước Mỹ.
Người thầy giáo trong bài báo ấy chẳng khác một thiên thần. Ông đem lại cho lũ trẻ lòng công bằng, tình yêu thương, tinh thần đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, tư duy lý tính, ý nghĩa của cuộc đời … Với cách giáo dục như thế, sao mà lũ trẻ không có tình thương, sao mà chúng còn chịu sự ràng buộc và hạn chế của những điều này khoản nọ nào đấy ?

Tôi bỗng nhớ lại hồi học trung học, thầy giáo có tổ chức cho chúng tôi học tập tấm gương Lại Ninh.

Chuyện Lại Ninh như sau: Ngày 13 tháng 3 năm 1988, thiếu niên Lại Ninh 14 tuổi bỗng phát hiện thấy có đám cháy trong rừng, anh liền tức tốc chạy tới chỗ cháy và cầm lấy một cành cây hăng hái quên mình dập lửa. Tuy các đội viên đội chữa cháy từng khuyên mọi người chớ chạy đến gần đám lửa, nhưng vì không đành lòng nhìn thấy tài sản của nhà nước bị thiệt hại, Lại Ninh vẫn tiếp tục dập lửa. Sau cùng đám cháy rừng bị dập tắt, hơn 3500 mẫu rừng được cứu thoát, trạm vệ tinh chuyển tiếp truyền hình trong rừng và nhà kho của công ty dầu lửa cũng bình yên vô sự. Sáng hôm 14, người ta tìm thấy xác Lại Ninh trong đống tro rừng. Tay phải anh vẫn còn nắm chặt cành cây, mặt hướng lên đồi, cặp kính cận thị văng đâu mất, tay trái bám lấy mặt đất, chân phải ở tư thế leo lên đồi. Lại Ninh đã vĩnh biệt chúng ta nhưng tinh thần của anh mãi mãi còn sống với chúng ta. Anh là tấm gương để chúng ta học tập noi theo ! Anh mãi mãi là niềm kiêu hãnh của chúng ta !

Lại Ninh là một thiếu niên tốt và có tinh thần quý trọng của công rất cao. Thế nhưng tại sao chúng ta không dạy dỗ trẻ em cách phòng tránh khi có cháy rừng mà lại khuyến khích các em chạy tới đám cháy? Có “tài sản nhà nước” nào quý hơn tính mạng con người chăng? Những người thân của Lại Ninh sẽ phải chịu đựng nỗi đau như thế nào vì chuyện ấy? Còn có cách giáo dục nào thiếu đạo đức hơn lối dạy trẻ em như thế không? Nhất là ngày nay, trong khi một lũ quan tham ra sức chiếm đoạt “tài sản nhà nước” thì ta vẫn tiếp tục dạy dỗ các em hy sinh thân mình để bảo vệ một loại tài sản nào đó, thử hỏi đạo trời ở đâu?

Tại nước Mỹ, khi xảy ra nguy hiểm, các thầy cô giáo bao giờ cũng khuyên răn học trò rời xa ngay nơi đó và hướng dẫn chúng rất tường tận cách tránh né. Họ hiểu rằng tính mạng giữ được thì lại có thể làm ra tài sản… Cách giáo dục của chúng ta thì có thể đưa bao nhiêu thanh thiếu niên ưu tú đi tới chỗ chết !
Thế nhưng trước đây tôi đâu có biết đạo lý ấy. Tôi từng mong muốn mình cũng được như Lại Ninh liều thân chữa cháy, dẫu có hy sinh trong đám lửa thì cũng không quản ngại. Cho tới năm học lớp 12, tôi được một thầy giáo trẻ (dạy môn sử) có lương tri bảo ban, dần dần hiểu rõ thực chất của nhiều vấn đề, từ đó tôi bắt đầu suy nghĩ sâu sắc. Sau khi trở thành nhà báo, đi nhiều thấy nhiều, tôi dần dần hiểu ra rằng tính mạng con người, tình thương yêu, lòng khoan dung và niềm tin mới là thứ đáng quý nhất.

Kiểu giáo dục khuyên bảo lũ trẻ con ấu trĩ xông vào cứu cái gọi là “tài sản nhà nước” ấy thật đáng trách, ngay cả loài cầm thú cũng chẳng làm thế. Tất cả mọi thứ vật chất đều có thể làm lại, riêng sinh mạng thì không thể.

Cách giáo dục ấy hủy hoại lũ trẻ từ nhỏ, xóa bỏ thiên tính của chúng, ươm trồng hạt giống tính nô lệ. Ngay từ ở nhà trẻ, có cô giáo đã quyết định thái độ đối xử với từng cháu tùy theo bố mẹ cháu chức vụ cao hay thấp, giàu hay nghèo; ngay từ tuổi ấy chúng đã dần dần học được cách lấy lòng cô giáo. “Nô tính” ấy thâm căn cố đế tới mức sau này có người leo lên địa vị lãnh đạo rồi mà vẫn còn giữ thói cũ, thậm chí còn nặng hơn. Thấy khách nước ngoài thì cung kính vâng vâng dạ dạ; thấy quần chúng bình thường thì nạt nộ ra oai… Thật là đáng buồn làm sao!

Chế độ giáo dục xóa bỏ lương tri, tính người, hủy hoại tình thương yêu, trau dồi nô tính và tính phục tùng, gạt người nghèo ra khỏi ghế nhà trường chẳng những chỉ đào sâu hố ngăn cách giàu nghèo mà còn hủy hoại tiền đồ của một dân tộc. Nếu không thấy rõ sự khác biệt giữa chúng ta với người Mỹ ngay từ cách giáo dục trẻ em, nếu không cải tổ nền giáo dục mà cứ phát triển theo kiểu giết gà lấy trứng như thế này thì chúng ta sẽ mãi mãi chẳng đuổi kịp người Mỹ và con cháu chúng ta sau này sẽ phải trả giá đau khổ cho cách tăng trưởng kinh tế này./.

Nguyễn Hải Hoành

Lược dịch theo báo Trung Quốc
(Mượn từ blog moscow80)