Thứ Tư, 5 tháng 6, 2013

TRUYỆN TRÊN TRANG BẠN (TỰ KHÚC THU)

 

Thanh Dạ:

Tôi có người bạn mạng,có trang blog TỰ KHÚC THU .Anh viết truyện rất nhiều và đọc rất hấp dẫn.Tôi đã đọc và đã thích anh.Định bụng,giấu làm của riêng.Song,nghĩ lại thấy ích kỷ quá,nên buộc phải khoe với mọi người như là mình khai được một cái MỎ KIM LOẠI QUÝ.Mong mọi người cùng khai thác ! Mỏ này có địa chỉ như sau:BÌNH DƯƠNG PHẠM HUY (tp HẢI DƯƠNG),trụ sở TUKHUCTHU.BLOGSPOT.COM

Thứ sáu, ngày 11 tháng một năm 2013

NGƯỜI KHÁCH ĐỒNG HÀNH TRÊN CHUYẾN TÀU BẮC NAM - (Truyện ngắn.)


         Một ngày đầu mùa mưa trên thành phố Hồ Chí Minh. Tôi ngồi yên lặng trước ly cà phê đen nóng. Tiệm Café Trung Nguyên Sport trên đường Trần Quốc Toản, giáp ngã ba Hai Bà Trưng, quận 1, gần Chợ Tân Định nhìn ra đường phố bên ngoài qua ô cửa sổ kính dày, trong suốt. Mới đầu giờ sáng mà quán đã khá đông khách. Trong tiếng nhạc êm nhẹ, tôi chợt cảm giác có người đang nhìn mình. Kia rồi, chỉ cách nơi tôi ngồi hai dãy bàn, có một người thiếu phụ đang nhìn về phía tôi chăm chú. Thấy tôi đưa mắt dò hỏi, người thiếu phụ bỏ đôi kiếng mát, lộ rõ toàn bộ gương mặt thanh tú. Trông quen quen. Lục tìm trong ký ức, giữa bao nhiêu khuôn mặt quen biết tôi không thể nhớ ra người thiếu phụ nọ. Nhưng vẻ mặt rất quen, ít nhất là đã được gặp ở đâu đó. Chợt người thiếu phụ bưng ly nước hoa quả rời chỗ tiến đến chiếc ghế còn trống nơi bàn tôi ngồi. Nghiêng mình lịch sự, chị hỏi nhỏ:"Anh cho phép em ngồi cùng bàn nha!". Tôi vội đáp: "Xin chị cứ tự nhiên, tôi chỉ có một mình ở bàn này". Chị nhẹ nhàng ngồi xuống, miệng cười mỉm duyên dáng. Nụ cười, phải rồi…nụ cười này trông thật quen thuộc. Song tôi vẫn chịu, không nhận ra người thiếu phụ là ai.
      
- Anh thứ lỗi cho em, Em xin mạo muội hỏi Anh điều này.
       - Vâng, mời chị. Chị đừng ngại, tôi sẵn sàng nghe đây!
       - Nếu Em không nhầm, chúng ta đã gặp nhau trên một chuyến tàu Bắc Nam, xuất phát từ Hà Nội. Chuyện cũng đã lâu lắm rồi. Anh đã giúp Em một việc khiến Em tự thấy phải mang ơn Anh suốt đời. Anh nhớ không hà, người con gái bị cảm nặng trên chuyến tàu năm ấy. Anh không chịu nói tên cho Em biết, giữa sân ga Huế lúc mình chia tay. Anh chỉ cười hiền. Anh nhớ hôn? Hơn hai mươi năm rồi đấy, anh à!
       Giọng Huế nhẹ thoảng, kèm theo ánh mắt như nài nỉ tôi nhớ lại câu chuyện xưa. Rồi, tôi nhớ ra rồi. Câu chuyện với cô gái đồng hành trên chuyến tàu Bắc Nam hơn hai chục năm trước. Tôi cười nhẹ: "Rồi! Tôi nhớ rồi, thế mà cũng hơn hai chục năm rồi đấy. Trông Bạn không thay đổi mấy. Xin lỗi cho tôi nói tiếp điều này. Bạn trông đẹp hơn trước rất nhiều, đẹp mặn mà và vẫn rất Huế." Tôi đổi cách xưng hô. Cả hai cùng cười vui. Đôi mắt cô gái chợt loáng nước. Từ rất xa, chuyến đi ngày nào như trở lại trước mắt.
       ….
       Con tàu vặn mình rời khỏi sân ga Hàng Cỏ. Soạn sửa xong chỗ nằm trên khoang giường giáp nóc toa, tôi đu người xuống sàn tàu. Toa giường nằm khoang bốn chỗ khá rộng rãi. Tôi ra cửa sổ, ngoái nhìn lại sân ga. Ngay dưới đường ke, một người đàn ông cao ráo, dáng người mảnh khảnh bước rảo cạnh tàu. Khuôn mặt khá đẹp lộ vẻ bứt rứt, đôi mắt trông lên thật buồn. Tôi chợt nhận ra, không phải anh ta nhìn tôi mà nhìn người con gái đứng góc cửa sổ bên cạnh. Tôi quay lại, mắt hướng về phía người con gái hai bàn tay xoắn vặn nhau trước ngực đang âm thầm khóc. Hai hàng nước mắt chảy dài trên đôi má hồng mịn. Đôi môi nhỏ xinh mấp máy, mấp máy điều gì đó. Thấy mình đứng đó không tiện, tôi vội trở vào chỗ ngồi chung với bà cụ già, tuổi chừng ngót bảy mươi ở giường tầng dưới cùng dãy. Phía ngoài cửa sổ, cây cối bắt đầu loang loáng lướt nhanh. Tàu tăng tốc. Cô gái trẻ vẫn đứng đó, nức nở. Chắc họ là cặp đôi bạn tình, nay người đi kẻ ở. Tôi chỉ nghĩ vậy, rồi quay sang hỏi chuyện bà cụ:
       - Bà sẽ xuống ga nào? sao không thấy người nhà đi kèm đỡ?
       - Cám ơn bác đã hỏi thăm, tôi về Vinh. Chặng đường cũng gần thôi, tôi lên tàu có một mình. Tảng sáng là đến nơi. Ngoài này các cháu con thằng cả đưa tôi lên tàu, tới đó lại có người nhà lên toa đón. Tôi còn khỏe, mà đi thế này mãi cũng quen rồi. Bác đi có xa không?
       - Cháu xuống ga cuối, Sài Gòn. Tàu này đến nơi vừa bốn giờ sáng. Anh em cơ quan cho xe ra đón nên cũng đỡ bà ạ.
       Người con gái vẫn im lặng đứng đó. Khi tôi leo lên tầng trên nằm duỗi chân đọc cuốn sách đem theo, tôi mới để ý chỗ cô gái nằm cùng hàng với tôi. Nghĩa là giường tầng trên phía bên kia. Trên đó có chiếc túi xắc màu đỏ, chiếc va li khóa số nhỏ xinh. Một chiếc túi lưới bên trong chứa chai nước khoáng và vài hộp bánh quy, socola nhãn hiệu ngoại. Tầng dưới, có mỗi chiếc ba lô bộ đội. Người chủ của nó chắc đang đâu đó trên tàu. Đến tận bữa ăn trưa, mới thấy anh ta về chỗ nhận hộp cơm, ăn rất nhanh rồi lại gửi đồ đạc bà cụ già: "Cháu sang toa bên chơi cờ với anh bạn. Già trông giúp đồ hộ cháu nhé. Đồ đạc không có gì quan trọng đâu, toàn vật dụng lính tráng ấy mà. À, mà để cháu cất xuống cái hộc dưới này cho tiện. Này! Ông bạn giường trên ơi, xuống đây mà ngồi cho đỡ mỏi này. Đêm lên đó ngủ, tội gì phải nằm bó người trên đó? Tôi với bà cụ này xuống ga Vinh cùng nhau!". Anh nói nhanh và đi sang toa bên cũng nhanh. Tôi trèo xuống chiếc giường tầng một của Anh. Cô gái vẫn đứng bên cửa sổ, suất ăn bỏ lăn lóc trên chiếc bàn chung trong khoang. Có vẻ cô muốn một mình với nỗi buồn của mình. Mãi đến sau bữa tối, cô mới lên giường nằm. Cũng chẳng chịu ăn cơm chiều. Chỉ thấy uống mấy viên thuốc Vitamin nang mềm màu cà phê. Chắc là thuốc trợ sức.
       Theo nhịp lắc lư của chuyến tàu Bắc Nam hành trình 52 tiếng, tôi lơ mơ ngủ. Đã qua nửa đêm thứ nhất rồi. Chợt tôi thoảng nghe có tiếng rên. Lúc đầu còn nhẹ, sau thấy gấp hơn rồi có lúc lại như nghẹn lại. Tôi tỉnh hẳn giấc ngủ lơ mơ mới vừa ập đến. Tiếng rên ngay bên cạnh thôi. Tôi nhổm dậy. Bà cụ giường dưới thấy đã túi xách, tay đẫy ngồi im lặng góc giường giáp cửa. Vài tiếng nữa bà xuống ga Vinh. Bên kia, cậu bộ đội nằm mê mệt. Tôi thấy rồi, tiếng rên từ trên chiếc giường cô gái nằm. Bỗng thấy tiếng nấc cụt, tôi vội đu ngang hẳn sang giường cô gái không kịp xuống sàn toa để leo bậc lên. Khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi, tóc bết lại hai bên thái dương dưới ánh đèn mờ trên góc toa hắt xuống. Trời! Cô gái lại rên, lần này thì lại nặng nề, đứt quãng. Tôi khẽ đăt tay lên vai cô lay nhẹ. Không thấy động đậy gì. Mạnh bạo đặt tay lên trán. Vầng trán lấm tấm mồ hôi lạnh, nhưng làn da thì nóng dãy. Thôi chết, cô gái đang sốt rất cao. Tôi vội lớn tiếng lay gọi, miệng cô gái chỉ lắp bắp, lắp bắp không thành tiếng. Thấy tôi hốt hoảng, bà cụ tầng dưới vội đứng hẳn lên ghé đến bên tôi. "Cô ấy bị sốt rất cao, bà ạ!" Tôi luồn tay xuống nắm đôi bàn chân dưới tấm chăn mỏng, chân tay cô gái lạnh ngắt. Cảm nặng rồi.
       - Bà ơi, phiền bà lên trên này với cô ấy một lúc, để cháu chạy đi báo trưởng toa.
       - Ừ! Phải đấy, bác cứ đi báo ngay cho họ biết đi.
       Tôi tụt khỏi chiếc giường tầng, nhảy xuống sàn tàu, chạy đến cuối toa, gõ cửa trực toa.
       - Cô trực toa ơi! Dậy tôi có việc khẩn cấp. Khoang giường nằm số 4, giường 22 có người cảm nặng lắm. Cô sang xem có cách nào xử lý được không. Toa ăn ở phía cuối hay đầu đoàn tàu hả cô?
       - Phía đầu đoàn tàu. Anh cứ đi đi, tôi sửa soạn một chút rồi qua ngay.
       Tôi chạy thật nhanh về phía đầu đoàn tàu, qua mấy toa kế bên. Rất may, toa ăn chỉ cách toa bọn tôi có hai toa. Tôi hỏi nhanh cô nhân viên nấu ăn đang lúi húi bên nồi cháo gà phục vụ khách ăn đêm.
       - Chị có trứng gà không, có gừng không?
       - Tôi có cả đây!
       - Chị làm ơn lấy cho tôi một quả, đập ra chỉ lấy lòng đỏ, bỏ lòng trắng. Đập nhuyễn cho tôi vài ba lát gừng, thêm vài hạt muối tinh vào. Chị cho cả vào chiếc xoong nhỏ xíu kia rồi xào khô lên cho tôi. Được rồi! Xin mượn chị cái đĩa nhỏ kia. Chị đổ vào đây cho tôi. Hết bao nhiêu tiền hả chị?
       - Mười hai đồng anh ạ. Vâng, trứng của anh đây.
       Tôi chạy thật nhanh về toa. Người nữ nhân viên trực toa và bà cụ vẫn đang luýnh quýnh lấy khăn mặt dấp nước dặt lên trán cô gái. Lấy chiếc thìa nhỏ, tôi lùa ừng miếng, từng miếng trứng nhỏ vào miệng cô gái, miệng dỗ dành: "Chịu khó chút nào, cố nuốt hết, nuốt hết. Miếng nữa này, còn một miếng nhỏ nữa thôi, xong rồi. Cô chịu khó uống chút nước này"
       Người con gái khó nhọc nuốt từng miếng, từng miếng và uống hết ngụm nước. Đôi mắt mở to nhìn tôi, hai hàng nước mắt chảy dài bên thái dương. Miệng khó nhọc nói khẽ: "Em cảm ơn anh, em làm phiền mọi người quá!"
.....

(Còn nữa. Mời xem tiếp kỳ sau)

TRUYỆN NGẮN TRÊN TRANG BẠN (TỰ KHÚC THU...TẠI HẢI DƯƠNG)

NGƯỜI KHÁCH ĐỒNG HÀNH TRÊN CHUYẾN TÀU BẮC NAM - Truyện ngắn.

(Tiếp theo và hết)
.........

       Tôi quay sang cô nhân viên trực toa:
       - Phiền chị thế này nhé. Tôi vừa cho cô gái dùng trứng, gừng để đánh cảm từ bên trong. Chị khẽ nhắc cô gái chỉ chỗ lấy quần áo ra để cạnh gối. Đắp chăn kín ngang miệng cho cô ấy. Khoảng nửa tiếng nữa, cô ấy sẽ đổ rất nhiều mồ hôi. Khi nào thấy ướt hết quần áo, chị giúp cô ấy cởi bỏ ra, mặc bộ khác vào. Cứ như vậy, ướt lại thay. Chỉ ba lần là thấm hết mồ hôi ra, nếu tốt, cô ấy sẽ được giải cảm. Tôi là đàn ông, không tiện làm việc này.
       - Vâng, anh cứ để tôi.
       Quả nhiên, sau nửa tiếng, cô gái đã ra mồ hôi ướt đẫm bộ quần áo đang mặc. Cô nhân viên giúp cô gái lau khô người, thay bộ khác xong thì tàu vào ga Vinh.
       - Anh trông nom cố ấy một lúc nhé, tôi phải làm nhiệm vụ đón khách lên tàu.
       Cô nhân viên đường sắt kéo tay tôi lên ngồi ghé bên chiếc giường tầng trên rồi nhảy xuống, ra đầu toa chuẩn bị đón khách. Bà cụ già cùng anh bộ đội nhẹ nhàng chào tôi rồi tiến ra cửa toa. Tàu dừng bánh. Tiếng hành khách lên xuống toa tàu lao xao. Toa tôi chỉ thêm có một hành khách. Một phụ nữ trung tuổi lên toa thay vào chiếc giường của bà cụ. Thế là toa của tôi chỉ có ba hành khách, trong đó, chỉ có mỗi tôi là đàn ông.

       Tàu hú còi tiếp tục lăn bánh. Người nữ nhân viên quay lại toa tôi nói vội:
       - Anh chịu khó chăm sóc cho cô ấy vậy, tôi phải lên ban chuẩn bị đổi ca. Từ ga sau, ga Đồng Hới, nhân viên thay tôi là một đồng chí nam giới. Tôi sẽ trao đổi với anh ấy để hỗ trợ anh. Tình hình cô ấy có vẻ ổn, anh xử lý thế nào mà giỏi thế. Trên toa, ngoài mấy viên thuốc thông thường để phòng ngừa, không có thuốc hạ sốt nhanh thế đâu. Mà biết cho cô ấy dùng thuốc nào bây giờ. Nhỡ thương hàn hoặc xuất huyết đường tiêu hóa thì phải có bác sĩ mới xử trí được.
       - Tôi thấy triệu chứng cô ấy chỉ là cảm gió nên làm vậy. Đây là cách đánh cảm của người Cambot. Tôi học được từ một chuyên gia sang giúp nước bạn Căm - Pu - Chia dịp 1983, sau họa diệt chủng Pôn Pốt. Người Việt mình đánh cảm bên ngoài, bên Căm - Pu - Chia bà con người ta đánh cảm từ bên trong đánh ra. Tôi từng làm cho nhiều người, kể cả người trong gia đình, hiệu nghiệm lắm. Chị có việc phải đi, cứ đi thôi. Tôi xin cảm ơn chị đã giúp.
       Người nữ nhân viên đường sắt mỉm cười chào tôi và lướt đi. Tôi quay sang hỏi thăm người phụ nữ mới lên tàu:
       - Chị xuống tàu ga nào vậy.
       - Tôi xuống ga Sài Gòn    
       - Ồ, thế là tôi với chị cùng xuống một ga. Tôi có việc muốn chị giúp một tay, chị xem có giúp được không?
       Tôi kể nhanh cho chị nghe toàn bộ câu chuyện về người con gái đang nằm trên chiếc giường tầng trên phía bên kia và nhờ chị làm giúp công việc đã nhờ người nữ nhân viên đường sắt làm. Chị vui vẻ nhận lời và chợt hỏi tôi có chiều thông cảm.
       - Khổ, thế cô ấy với anh thế nào. Hai người cùng một gia đình hay là…
       - Không, tôi chỉ là người đồng hành trong chuyến đi này như chị với tôi thôi. Tôi chưa hỏi được cô ấy xuống ga nào.
       Tôi lại leo lên phía trên. Người con gái trông đã có vẻ ổn hơn. Cô thở nhẹ nhàng, có vẻ đang chìm vào giấc ngủ mệt mỏi. Vầng trán nhỏ khô mịn, đặt tay lên đã không còn nóng rát như lúc trước.
       Cả ngày hôm sau, lại một lần nữa cô gái được người phụ nữ thay cho một lần quần áo nữa. Sau lần thay bộ quần áo khô ráo, cô có vẻ tỉnh táo hơn lên. Tôi lân la hỏi chuyện:
       - Cô đi đâu mà đi một mình thế?
       - Em ra Hà Nội công tác. Giờ đang trên đường về nhà. Em sống và làm việc ở Huế. Thật may phước cho Em, có Anh giúp cho không thì…
       - Tôi thấy cô gặp chuyện không hay thì giúp thôi. Mà cũng may là cô chỉ bị cảm thôi đấy. Chứ nếu bị bệnh tật gì nặng, thì cái món thuốc lang vườn như tôi cũng chẳng giúp ích gì được. Mà có phải chỉ mình tôi đâu. Cô thấy đấy, có cả  nhiều bà con cùng đi đã giúp đỡ cô đấy thôi.
       Chợt người phụ nữ trung tuổi nháy tôi ra cửa toa:
       - Này, va li cô ấy hết quần áo ngoài rồi. Hai bộ ướt nhớp kia, lúc nãy tôi đã tranh thủ đem qua buồng rửa mặt giặt qua cho cô ấy rồi. Tôi đã vắt thật khô rồi cho vào chiếc túi ni lon đựng đồ lặt vặt của cô để góc giường kia. Tàu còn đi một đêm nay và cuối chiều ngày mai nữa mới tới Huế.
       - Chị cứ theo dõi thêm cô ấy giúp tôi. Tôi có cách rồi.
       Hơn hai tiếng đồng hồ sau, đoàn tàu chạy vào ga Đồng Hới trong ánh sáng nhập nhoạng cuối chiều. Tôi gửi đồ đạc cho người đàn bà trung tuổi, xuống ga tranh thủ tắm táp và mua thêm chai nước. Tại một gian hàng tạp hóa, nhìn cô chủ trẻ có dáng người thanh mảnh như người bạn đồng hành, tôi nhờ cô chọn giúp một bộ đồ bà ba màu tím Huế. Trở lại tàu thật nhanh, tôi chỉ kịp đặt chân vào khoang bốn giường của mình thì tàu chuyển bánh. Người phụ nữ giường dưới ngước mắt nhìn tôi, mặt còn chưa hết vẻ thảng thốt: "Tôi cứ tưởng cậu không lên kịp tàu, đi đâu mà lâu thế!" Tôi giúi cho chị bọc ni lon chứa bộ quần áo mới, nói nhỏ: "Đêm nay, mà cũng có thể là gần sáng, cô ấy thế nào cũng ra nốt chỗ mồ hôi lạnh trong người. Chị lấy tạm bộ này thay cho cô ấy."
       Đêm qua đi trong tiếng bánh xe lăn hối hả. Sáng ra, khi nhân viên tàu đem đồ ăn sáng đến phục vụ tại toa, cô gái đã ăn được già nửa tô cháo thịt tôi mua cho. Nhìn tôi vẻ ngượng nghịu, cô nói khẽ: "Sao Anh mua quần áo cho Em thế. Tốn kém thế nào để em trả. Chỉ qua trưa nay, tàu đến ga Huế rồi". Tôi bảo cô: "Cô có mấy bộ áo quần mặc ngoài thì đã ướt sạch rồi còn gì. Thôi, đừng bận tâm làm gì, để kỳ nào tôi ra Huế công tác, tôi sẽ tìm cô đòi nợ, được không nào?"
       Cô ngỏn nghẻn cười. Đôi mắt loáng ướt, khuôn mặt đã lại sắc. Tàu đến ga Huế, tôi đưa cô ra tận cửa toa. Đứng dưới sân ga cùng một cô gái vào đón, cô dướn người trông lên cố gặng hỏi: "Anh tên chi và ở chỗ mô ngoài Hà Nội, cho Em biết để Em còn có dịp gặp và cảm ơn!" Tôi khẽ vẫy tay, mỉm cười: "Quả đất tròn, thế nào cũng có lúc anh em mình gặp nhau!". Giữa ồn ào sân ga, tàu nhẹ nhàng chuyển bánh. Cô gái đứng đó, hai hàng nước mắt chảy dài, bàn tay trắng trẻo giơ lên vẫy vẫy. Bóng áo tím Huế xa dần, xa dần.
       ……
       - Thế Bạn chuyển vào Sài Gòn sinh sống hồi nào vậy?
       - Dạ, không. Em vẫn sinh sống và công tác ở Huế anh à. Em vào Sài Gòn tham gia một khóa cao học. Vừa bảo vệ luận văn xong hôm rồi. Sớm mai Em trở lại Huế.
       - Ồ, ra vậy. Xin chúc mừng Masters.
       - Cám ơn Anh. Anh vào Sài Gòn công tác ạ.
       - Tôi vào thăm người nhà. Tôi vừa nghỉ hưu tháng trước. Thế Bạn được mấy cháu rồi.
       - Dạ. Em được hai cháu, một trai, một gái. Cháu trai đang du học Australia, còn cháu gái đang học lớp chín.
       Thấy tôi có vẻ muốn dò hỏi thêm, cô nhẹ cười:
       - Em xây dựng gia đình sau ngày gặp Anh trên tàu hai năm. Không phải với người đàn ông Anh thấy ra tiễn Em ở sân ga Hàng Cỏ ngày ấy đâu. Bọn Em không có duyên phận được sống với nhau. Bữa đó là bữa cuối bọn Em gặp nhau rồi chia tay nhau. À, mà Anh vẫn chưa cho Em biết tên đấy nhé.
       - Thôi mà. Bạn cứ coi như đã gặp được một người bạn đồng hành tốt tính. Tôi không làm vậy, thì người khác cũng giúp Bạn thôi. Gặp Bạn thế này, chuyện đêm đó trên tàu với tôi là một kỷ niệm. Một kỷ niệm thật đẹp. Thế là được rồi mà. Mà tôi cũng còn chưa hỏi tên Bạn là gì đấy?!
       Chúng tôi cùng cười vui. Ngoài đường, tiếng còi xe tấp nập. Sài Gòn thập kỷ đầu của thế kỷ hai mươi mốt vẫn háo hức, phăng phăng tiến lên phía trước như dòng xe hối hả ngoài kia. Tôi đứng lên, chìa tay nắm lấy bàn tay nhỏ ấm áp đưa ra.
       - Chúc Bạn và gia đình hạnh phúc.
       - Dạ, Em cảm ơn Anh. Gặp Anh được thế này, Em vui quá. Bao nhiêu năm cứ băn khoăn vì không biết cảm ơn Anh thế nào cho phải. Chúc Anh và gia đình luôn bằng an. Em xin gửi Anh chiếc danh thiếp này, khi nào vô Huế tới Em chơi.
       Đáp lại, tôi đặt nhẹ vào tay cô tấm danh thiếp nhỏ của mình. Tôi nhìn dòng tên trên chiếc danh thiếp của người thiếu phụ. Tên cô ta là Phan Trần Linh Huệ, một cái tên thật đẹp.

9/2012

THƠ TRIẾT LÝ VỤN



LÝ TƯỞNG & HIỆN THỰC
 


Lý tưởng là cái-ta-có
Hiện thực là cái-ta-cần
Con đường nối hai điểm đó
Vô vàn khổ ải,gian truân !

Con đường làm ra hiện thực
Là con đường của Trí Nhân
Những ai có tâm,có đức
Hẳn vẫn nguyện cầu dấn thân !

Làng Hóp  05-6-2013 T.D


SỰ THẬT


SỰ THẬT





















Sự thật hôm nay là thế
Ngày mai đã khác đi rồi
Cuộc đời luôn là dâu bể
Bờ sông bên lở,bên bồi

Sự thật xù xì,gai góc
Mắt người tròn trịa như bi
Mặt trời khi bừng khi tối
Hỏi ta nhìn được cái gì?

Ta hẳn như lão thày bói
Mắt mù lại muốn xem voi
Cái tai tưởng là cái quạt
Con đỉa hình dung cái vòi !

Làng Hóp 05-6-2013 T.D

THƠ PHỒN


THƠ PHỒN

 
1.Bấm tay,bó gối tịnh thiền
Không xua nổi tiếng kim tiền lanh canh !

(Thanh Dạ)


2.Vin cây,vịn đá ta trèo
Cho mồ hôi đổ cuốn theo bụi trần
Đã ngồi chót vót Phù Vân
Vẫn nghe điện thoại túi quần réo vang !

(Lên Yên Tử của Trần Trung Phụng – Bà Rịa Vũng Tàu)