Thứ Ba, 28 tháng 2, 2012

 NHÀ THƠ ĐI HỘI,ĐI CHÙA
             (truyện vui của Thanh Dạ)

Trong không khí lễ hội đầu năm mới,mấy ông nhà thơ CLB cũng hăng hái tham gia với ý định lấy cảm xúc làm thơ…Thế nên có giao hẹn với nhau là khi về sẽ tổ chức giao lưu thơ sáng tác về đề tài này.Hôm ấy,sau chuyến Lên Yên-tử về ,nhà thơ P hăng hái trình làng trước:
                               Vin cây,vịn đá ta trèo
                               Cho mồ hôi đổ cuốn theo bụi trần
                               Đã ngồi chót vót Phù Vân
                               Bỗng nghe điện thoại túi quần lại kêu !
--Hay ! Tâm trạng rất thật của một anh “con rô cũng tiếc,con diếc cũng muốn” ! Lão này không dứt vợ đi tu được !—Nhà thơ O lên tiếng trước .
-- Ồ ! Thì tôi có ý dứt vợ đi tu đâu .Nói mãi nó mới cho thoát ly 01 ngày .Nó còn đòi bám gót kia kìa .Tôi phải giải thích là đi với các nhà thơ ;Nó sợ,nó mới không theo nữa !Thế thì làm sao mà thoát tục được !...- Nhà thơ P giải thích vậy .Rồi không quên hỏi lại: “Thế ở cương vị ông,thì ông viết thế nào?
-- Tôi sẽ viết câu cuối như sau :
                                Dẫu có điện thoại,cóc cần nghe đâu !
-- Ôí ! Thế thì cũng vậy thôi ! Tôi viết “Bỗng nghe…” là ý nói : Chạy lên giời nó cũng không buông tha – nó vẫn gọi về . Dù ông có viết là 

"Không nghe” hay “cóc cần nghe” thì định gọi,nó vẫn gọi .Vấn đề là : Chúng gọi,nhưng chúng ta có dám không nghe hoặc không về không?
-- Tôi xin có ý kiến thế này –nhà thơ Q lên tiếng – Tình cảnh chung của chúng ta là như nhau ,không ai dám bỏ vợ đi tu cả .Thế mà viết “Vẫn nghe điện thoại…” hoặc “Không nghe điện thoạị…” thì đều là đổ vấy cho vợ cái tội lôi kéo làm mình không thoát tục được .Kỳ tình mình mới là thằng hèn, không dám đi tu ! Vậy nên,tôi đề nghị bỏ câu cuối để tránh vấn đề nhậy cảm !Hoặc sửa thế này được không:
                                 Vin cây,vịn đá ta trèo
                                 Cho mồ hôi đổ cuốn theo bụi trần
                                 Đã ngồi chót vót Phù Vân
                                 Ở ĐÂY MÂY GIÓ TA CẦN ĐIẾC ĐUI !
-- Hay ! Hay ! giải pháp tuyệt vời !Cứ không nghe,không thấy,không biết...là THƯỢNG SÁCH , THƯỢNG SÁCH !...

Làng Hóp 14h10’ 28-02-2012 TD


Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2012

ĐỀ ẢNH

NÓNG NỰC QUA NGÀY CHỬA MUỐN TAN
HOÀNG HÔN NẮNG QUÁI DÁT MÂY VÀNG
CHỊ EM SƠN NỮ TRẦN HONG GIÓ
HÓA ĐÓA TRĂNG NGÀ MÁT NÚI HOANG ! 

LÀNG HÓP 26-02-2012 T.D

Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2012

BIẾT SỬA…VẪN NGOAN
(tặng BLĐ TP HP)

Vô tình làm vỡ lọ hoa
Đứa cháu gái ngoại…khóc òa sợ sai
Bà về ,nhìn thấy,nói “Ai…
đã trót làm vỡ;Dọn ngay cho bà” !

Cháu gái bản tính thật thà
Vội vàng lấy chổi để mà dọn đi
Dọn rồi…nhận lỗi vân vi
Bà khen:Biết sửa lỗi thì…vẫn ngoan !

Làng  Hóp 14h10’ ngày 25-02-2012 TD

Thứ Năm, 23 tháng 2, 2012

RỒNG ĐÁ CẮN THÂN - NỖI ÂN HẬN CỦA MỘT ĐỨC VUA

Cho rằng hóa cọp hại nhà vua
Đầy ải Thao Giang suốt mấy mùa
Ôm hận Thái quan buồn câm lặng
Dân quê dây tội nuốt cay chua

Nghe nịnh,xử sai,hận chẳng vừa
Hóa thành rồng* đá cắn te tua
Cắn thân,xé xác...hồn đau khổ
Xám hối do mình...vẫn đức vua !


*gần đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh ở Bắc Ninh,vừa đào
được tượng Con-Rồng-Cắn-Thân-Xé-Xác-Mình .Chưa
chưa rõ là nghệ nhân ám chỉ nhà vua Lý Nhân Tông hay
thái sư Lê Văn Thịnh . Nhà vua thì đúng hơn = Rồng !
VỐN MÌNH CHỈ MỘT
(nhân xem lại bản đồ Chí Linh cũ
do Đỗ Đình Tuân cung cấp)

Chí Linh ngày ấy rộng ghê ta
Ôm cả Thanh Hà,Nam Sách a?
Tớ cậu cùng quê từ các cụ
Vốn mình chỉ một...chứ đâu ba !

Nam Sách 11h15’ 23-02-2012 TD

Thứ Hai, 20 tháng 2, 2012

LIỆU CÓ HƠN
(cũng họa bài Thú về hưu của Tạ Anh Ngôi)

Bác cậy về hưu có mảnh vườn
Có bằng trang trại của ông Vươn?
Chắc to như thể là sân bóng
Hẳn đẹp bởi vì có đóa dơn
Cá chép trong ao không muốn bán
Rau lơ trên luống chỉ chào vờn
Cái thời tự cấp còn rơi lại
So với ngày xưa liệu có hơn?

Làng Hóp 12h35’ 20-02-2012 Thanh Dạ bút


ĐỀN THỜ LƯỠNG QUỐC TRẠNG NGUYÊN MẠC-ĐĨNH-CHI TẠI QUÊ NAM-TÂN NAM-SÁCH HẢI-DƯƠNG
 LƯỠNG QUỐC TRẠNG NGUYÊN
(nhân 666 năm ngày húy kỵ và khánh thành nâng cấp 
đền thờ cụ - 02/3/2012 tức 10 tháng 02 Nhâm thìn)

Đẹp tựa hoa sen của đất này
Gần thiên niên kỷ ngát hương bay
Tiếng thơm liêm chính vua Nam nể
Bản lĩnh tài tình đế Bắc ngây
Trong nước làm sen nơi giếng ngọc
Ngoài biên hóa tướng mở đường mây
Cháu con mãi mãi noi gương sáng
Nâng cấp đền thiêng tưởng niệm Thầy !

Nam hồng 21-02-2012 (tức 30-giêng-Nhâm thìn) T.D


Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2012

ĐÙA BÁC HÁN-NÔM

(tặng ông Phạm văn Dật)

Hán để lâu ngày đã hóa han
Nôm na mách qué chẳng ai bàn
Bây giờ quốc ngữ lên ngôi chúa
Thơ phú xem chừng rất chứa chan !

Làng Hóp 18-02-2012 T.D

Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2012

HÒN TRỐNG MÁI

TẶNG TUÂN+THU VÀ LÀNG ẢO TRI - ÂN
Mãi đứng hôn nhau giữa biển trời
giữa vòng nhật nguyệt,giữa chơi vơi
Bão giông vẫn đứng - điềm nhiên đứng
Biểu tượng tình yêu - biểu tượng đời !


những ngày hội Valentin tháng 2-2012 T.D 

Thứ Ba, 14 tháng 2, 2012

NHÌN ẢNH NHỚ NGƯỜI - TẶNG KIM NGÀY 14-02-2012

CÁI ĐỘ TRĂNG TRÒN THIẾU NỮ ƠI . NGHIÊNG NGHIÊNG E THẸN TRƯỚC XUÂN ĐỜI . MŨI TÊN SẮC NHỌN CĂNG DÂY NỎ . BAO TRÁI TIM NGƯỜI LẶNG LẼ RƠI !


CẢNH NGÀY SON
(họa bài Vợ chồng “son” của Đ.Đ.Tuân )

Chúng lớn khôn rồi,chúng sẽ bon
Hai già tái bản cảnh ngày son
Xưng hô “tớ”, “cậu” – như thời trước
Sáng tác văn , thơ…né lối mòn
Ôn lại ngày xưa nhiều đắng đót
Nhìn ra hiện tại lắm tươi ngon
Tuổi già răng tóc dù xiêu,bạc
Đức độ tâm tình chửa héo hon !

Làng Hóp 11h00 14-02-2012 T.D

Chủ Nhật, 12 tháng 2, 2012

ĐỖ ĐÌNH TUÂN - TRI ÂN DU XUÂN NAM-SÁCH 12-02-2012

ĐỖ ĐÌNH TUÂN,TẠ ANH NGÔI &THANH DẠ PHU NHÂN
Đ.Đ.TUÂN & THANH DẠ TẠI MỘ NHÀ THƠ NGÔ-HOÁN (TRONG NHỊ THẬP BÁT TÚ THỜI LÊ THÁNH TÔNG - TK XV) Ở  LÀNG HÓP

Đ.Đ.TUÂN & TẠ ANH NGÔI TẠI MỘ CỤ NGÔ-HOÁN
ĐỖ ĐÌNH TUÂN&TẠ ANH NGÔI TẠI NHÀ HÁN-NÔM PHẠM VĂN DẬT(BẠN ĐỒNG NGHIỆP CỦA Đ.Đ.TUÂN)
PHẠM V DẬT TẶNG LỘC XUÂN CHO ĐỖ ĐÌNH TUÂN
ĐỖ ĐÌNH TUÂN THĂM NHÀ TẠ ANH NGÔI

TÀI LIỆU THAM KHẢO VỀ ĐỔI MỚI THƠ

Chủ Nhật, 05/02/2012 - 19:57
Thơ trẻ đi về đâu?
(Dân trí) - Trước khi bàn về thơ trẻ, cũng cần làm rõ hai khái niệm, đó là thơ của những tác giả trẻ hay một dòng thơ mới mẻ, non trẻ vừa mới xuất hiện.
 >>  Trần Hoàng Thiên Kim: “Không dễ dàng rũ bỏ thơ ca”
Nói cách khác là trẻ của thơ hay trẻ người làm thơ bởi có không ít bài thơ, câu thơ rất già song tác giả của nó còn rất trẻ và ngược lại, có những tác phẩm rất trẻ, tác giả của nó lại rất già.
Điển hình cho xu hướng già tác phẩm - trẻ tác giả có lẽ là nhà thơ Trần Đăng Khoa với tập Góc sân và Khoảng trời. Cậu bé chín mười tuổi Trần Đăng Khoa khi đó đã có những câu già dặn và cổ kính như thời Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến: “Ngoài thềm rơi chiếc lá đa – Tiếng rơi nghe mỏng như là rơi nghiêng”.
Tiêu biểu cho xu hướng già tác giả - trẻ tác phẩm là các nhà thơ Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng… và gần đây là Dương Tường, Hoàng Hưng. Các tác giả trên đều đã cao tuổi nhưng vẫn không ngừng nghỉ trên con đường trẻ hóa thi ca. Ở bài viết này, xin được lấy quan niệm thơ trẻ tức là thơ của những người trẻ tuổi có xu hướng làm mới thi ca qua lăng kính của Nhà phê bình văn học Văn Giá - Trưởng khoa sáng tác, lý luận, phê bình Đại học Văn hóa và Nhà thơ Trần Quang Quý – Ủy viên Hội đồng Thơ Việt Nam – TBT NXB Hội Nhà văn.
Bị bóng quá khứ đè lên quá nặng
Theo Nhà phê bình Văn Giá, thơ trẻ hiện nay có thể hình dung mấy xu hướng. Thứ nhất là thơ theo kiểu truyền thống cổ điển, hai là thơ theo kiểu tryền thống Thơ mới (1932-1945) và ba là thơ hiện đại (chữ “hiện đại” ở đây được hiểu là khác với 2 xu hướng trước, thuộc về thì hiện tại, hôm nay).
Ở xu hướng thứ nhất, có một số cây bút trẻ làm thơ lục bát, thơ 6 chữ, 7 chữ, 8 chữ, thơ kiểu Đường thi... nhìn chung đó là loại thơ Cách luật. Điều quan trọng ở đây là phải làm mới, “lạ hoá” chúng. Đây là một thử thách đối với những người làm thơ, nhất là thơ trẻ.
Xu hướng thứ hai, về cơ bản đó là những cây bút đang còn bị trì kéo bởi điệu thơ truyền thống từ những năm 30, đi qua nền thơ chống Pháp, chống Mỹ, kéo dài đến tận bây giờ. Trừ một thiểu số cách tân, nhưng không phải là chủ âm của nền thơ giai đoạn này. Các cây bút theo xu hướng này vẫn loay hoay về bút pháp, chưa đủ nội lực để bứt phá. Bóng của quá khứ đè lên họ quá nặng.
Sân thơ trẻ tại Văn Miếu
Xu hướng thứ ba thuộc về một số cây bút đầy khát vọng tìm tòi, cách tân. Tiếc là họ vẫn chưa thoát đuợc cái bóng của Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Dương Tường, Đặng Đình Hưng - những người mạnh dạn đưa tinh thần cách tân của chủ nghĩa hiện đại phương Tây vào thơ từ những năm chống Pháp. Sự cách tân của họ quy về những tên gọi như: thơ tượng trưng, thơ siêu thực, thơ đồ hình, thơ thị giác, thơ con âm, thơ sắp đặt, thơ tân hình thức... Mọi thể nghiệm này đang ở những bước đi ban đầu kéo dài đến hôm nay.
Nhìn chung các thành tựu đang còn mỏng mảnh, chưa có nhiều đỉnh cao, vì thế chưa đủ làm nên một diện mạo thơ ca mới. Tuy nhiên, chính những người đi theo con đường này đã góp phần làm nên sự đa dạng  và một tinh thần mới trong thơ ca. Tiếng nói của họ đang ngày càng được khẳng định một cách đường hoàng trên thi đàn. Tin rằng xu huớng này dần dần, với độ chín và bứt phá cần thiết sẽ trở thành chủ lực trong thi đàn Việt Nam. Cái thiếu nhất hiện nay ở họ là đang còn hiếm những bài thơ hay. Mọi cách tân ồn ào rồi sẽ qua đi, cái còn lại cuối cùng là phải kết tinh vào tác phẩm, những tác phẩm tầm cỡ, thuyết phục
Vùng vẫy tìm “giọng” cho thế hệ mình
Đa dạng trong hình thức biểu hiện, hăm hở tìm tòi và sáng tạo. Nhà thơ Trần Quang Quý cho rằng thơ trẻ đang cố bắt nhịp với hơi thở cuộc sống đương đại. Cái được của thơ trẻ là sự táo bạo trong câu chữ, kể cả bày tỏ cái tôi tính dục, cái tôi bản thể một cách trần trụi. Thơ trẻ đang vẫy vùng để tìm “giọng” cho thế hệ mình. Dường như lớp trẻ đang cố gắng giã từ những thứ mòn cũ, những điệp khúc, vần điệu quen tai, cứ lặp đi lặp lại nhiều thập kỉ. Có những tìm tòi thể hiện, thể nghiệm và phát hiện mới về ngữ nghĩa. Thơ trẻ đã đã góp phần mang lại cho thơ Việt hơi thở hiện đại và đang nỗ lực tạo lập hệ thống ngôn ngữ mới. Thơ trẻ đang có một nguồn năng lượng và động lực mới.
Tuy nhiên, phần lớn thơ trẻ vẫn là thơ “cải biên” của truyền thống. Những tìm tòi thể nghiệm chưa định hình, nhiều sáng tác gượng gạo, chỉ thấy ngôn từ “kiểu cách”, phóng đại, cường điệu, “bẻ ghi”, hoặc mông lung ngữ nghĩa, thi tứ như người ta đi vào rừng rậm, lắm dây rợ lằng nhằng. Độc giả không biết nhà thơ định bày tỏ quan niệm và hệ thống thẩm mỹ của mình là gì. Có không ít ý kiến cho rằng thơ trẻ thiếu đời sống, thiếu đời và sự trải nghiệm, thiếu sự tham gia vào những vấn đề của “chúng ta”, của đất nước. Đã có những phát biểu về thơ trình diễn là, “chỉ thấy diễn, mà không thấy thơ, nhưng vui”. Đã có thơ sắp đặt, nghĩa là viết những câu thơ lên bu gà lồng chim, lên xe máy, và các vật thể khác, thu hút rất nhiều người tò mò, lạ lẫm, mặc dù người ta cũng không hiểu, không cảm được thơ, chỉ coi như “thơ triển lãm”, khác cách cảm truyền thống là qua ngôn ngữ chữ viết, giọng điệu, thi tứ… Cũng có thể đó là lối hành thơ của hậu hiện đại chăng?
 Không có một cuộc cách mạng thơ – Vì sao?
Cuộc sống luôn biến động và văn học nghệ thuật nói chung, thơ nói riêng không thể đứng ngoài sự bến động của đời sống xã hội. Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học – kỹ thuật những năm đầu thế kỉ XXI, người ta hi vọng sẽ có cuộc cách mạng thơ ca như thời kỳ Thơ mới. Thế nhưng cuộc cách mạng võ đoán ấy đã không nổ ra. Vậy vì sao nó không xảy ra và trong tương lai liệu có xảy ra?  
Theo nhà thơ Trần Quang Quý, nếu gọi Thơ mới là cuộc cách mạng thơ, thì những nhân tố khách quan cũng như chủ quan và các điều kiện để nó xảy ra lúc đó là tất yếu. Trước đó là sự “thống trị” hàng trăm năm của thơ Đường, thơ chữ Hán. Người ta quá tù túng, kìm hãm trong những khắt khe vần luật, niêm luật của thơ Đường và hệ tư tưởng khổng giáo Trung Hoa. Sau thế chiến thứ nhất, Chủ nghĩa tư bản phương Tây, và chế độ thuộc địa nửa phong kiến Pháp tăng cường áp đặt nền thống trị lên thể chế chính trị và kinh tế của nhà nước phong kiến Việt Nam. Kèm theo nó là là văn hóa phương Tây, văn hóa Pháp, đặc biệt là thơ ca Pháp đã du nhập mạnh mẽ vào Việt Nam. Bắt đầu là cuộc tiếp nhận của giới trí thức trẻ, những người khởi xướng học hỏi và thể nghiệm một trào lưu văn hóa, trào lưu thơ ca mới, đáp ứng với những khát khao đòi hỏi của lớp trẻ. Thơ mới ra đời, ban đầu vấp phải một cuộc tranh cãi về tư tưởng và học thuật quyết liệt, nhưng cuối cùng nó đã thắng thế. Một nền thơ ca lãng mạng và những cái tôi lí tưởng hóa ra đời như vậy, chấm dứt sự thống trị của thơ Đường.
Trẻ là sự năng động, sự khát khao khám phá và tiếp thu cái mới. Thơ trẻ cũng vậy. Tuy nhiên, cái gọi là cách mạng thơ kia không thể diễn ra, vì cơ chế xã hội bây giờ không giống như thời Thơ mới. Chúng ta lại đã mở cửa hội nhập. Thế giới là cái bình địa văn hóa mở, có thể tự do ra vào, sàng lọc và hấp thụ. Vì vậy, những người sáng tác cứ từng bước tự thay đổi mình, từng bước tiệm tiến tới nhu cầu làm mới thi ca, hiện đại thi ca một cách tự nguyện, tự nhiên, nó không còn những nhân tố bức bách để có thể bùng nổ một cuộc cách mạng nữa. Thậm chí, không ít người của xã hội hiện đại và công nghệ lại khát khao trở về cái tự nhiên, nguyên thủy, nguồn cội.
Nhà phê bình văn học Văn Giá cũng cho rằng không thể có một cuộc cách mạng thơ trong bối cảnh lịch sử - văn hoá đương đại, thế giới trong trạng thái phơi mở toàn bộ những chân trời văn hoá, văn học  trên toàn thế giới, phơi mở những dự cảm, những tìm kiếm, những cách tân, những dằn vặt và suy tư nghệ thuật. Không có gì xảy ra trên trái đất mà con người không biết; thậm chí, biết rất nhanh, rất dễ. Một thế giới phẳng. Như vậy, thế giới không còn gì là yếu tố bất ngờ, đột biến, nhảy vọt, cát cứ… bởi một cuộc cách mạng về thơ ca phải hội đủ ít nhất mấy yếu tố sau:
Thứ nhất, phải có va chạm văn hoá. Thứ hai, khi nhu cầu thay đổi đã chín, cái cũ đã trong quá trình tự huỷ, cái mới đã hiện hình rõ ràng. Thứ ba, quan trọng nhất, đó là: điệu sống, điệu tâm hồn của lớp người trẻ tuổi đã phải thay đổi hoàn toàn so với thời kỳ trước đó. Trong khi hiện nay, lớp người trẻ tuổi trong xã hội ta đang trong quá trình thay đổi dần dần, chứ không thay đổi theo kiểu “đột biến”. Vả lại tinh thần tiêu dùng tiện lợi dễ dãi  đang tràn ngập lên lớp người trẻ tuổi, dẫn đến tình trạng thiếu dưỡng khí để thổi bùng nhu cầu cách tân. Bởi cách tân bao giờ cũng cần phẩm cách trí thức, bao giờ cũng khó nhọc, tốn nhiều công sức và tâm trí.
Và cuối cùng, thiếu những “thủ lĩnh” là những tài năng lớn trên cả hai phương diện: lập thuyết và sáng tác. Vì vậy, thay đổi thơ ca nói riêng và văn học nói chung ở ta bây giờ không có cuộc cách mạng mà nó thay đổi theo cách tiệm tiến, dần dần, theo kiểu “tằm ăn dâu”, rồi nó sẽ có một diện mạo mới, với nền mới và những đỉnh mới.
Bùi Hoàng Tám 

Thứ Bảy, 11 tháng 2, 2012


BỞI…
(nhân ngày Va-len-tin 14-02-2012)

Bởi em chỉ biết yêu anh
Nên em đã sớm trở thành Vọng-phu

Bởi anh nhiều bến,lắm bờ
Nên đêm đêm vẫn nằm mơ về nguồn

Nếu ai biết tổ chuồn chuồn
Thì không vướng phải nỗi buồn vu vơ !

Làng Hóp 13h15’ ngày 11-02-2012 T.D


Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2012

CẢM XÚC SA-PA
(tặng MH về chùm ảnh Sa-pa trong sương)

Thành phố và em lẫn với sương
Để tôi lạc lối ngã ba đường
Đất trời giao cảm trong mây khói
Tôi kiếm người xa trong vấn vương !

Làng Hóp 09h00 09-2-2012 T.D

Thứ Năm, 9 tháng 2, 2012

NHỚ EM-THẦY-THUỐC
(nhân ngày thầy thuốc VN 27-02-2012)

Nhớ khi cơn sốt vừa lui
Tiếng chim chợt hót,khung trời chợt xanh
Là em đã có bên anh
Tay bưng bát cháo,miệng xinh tươi cười
Tiếng em khẽ nhẹ chào mời
Nghe như tiếng mẹ nựng…hồi trẻ thơ
Sốt cao,mất ngủ - anh mơ
Em ngồi trực đến…quên giờ giao ban
Ngày ngày em đến hỏi han
Em tiêm mũi thuốc nhẹ nhàng như không
Người thân xa ; Biết anh mong
Em ngồi kể chuyện cho lòng anh khuây…

Anh nằm điều trị bấy nay
Bệnh vơi ; Sức lại dâng đầy như xưa
Tiếng còi tầm gọi sớm,trưa
Anh về lòng nặng tiếng thơ ân tình
Nhớ em - Đâu chỉ mình anh
Vì anh – đâu chỉ một mình em thôi
Yêu thêm biết mấy – Cuộc đời
Là khi ta sống vì người,vì nhau…!

Bệnh viện cán bộ Đồng Nai 1976 T.D

SANG XUÂN

Sang xuân trời đất giao hòa
Như hết hờn dỗi – người ta làm lành
Đất trời thêm những sắc xanh
Gió mây thêm ấm,lá cành thêm tươi
Thế gian thêm những tiếng cười
Và Người thêm mến yêu Người nhiều hơn ?

Phố Hóp 13h00 09-02-2012 T.D

GIỌT MÁU XUÂN HỒNG