Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2014

VỀ MỘT HỌC TRÒ CŨ : TRẦN KHOA ( Bài của thạc sỹ Nguyễn Văn Hưng - Phó Hiệu trưởng trường THPT Mạc Đĩnh Chi Hải Dương trong buổi chia tay Trần Khoa nhận công tác tại đơn vị mới )

SÁNG MÃI MỘT NGỌN LỬA, ĐẸP MÃI MỘT TẤM LÒNG
Tác giả: Nguyễn Văn Hưng 




Trường THPT Mạc Đĩnh Chi được thành lập đến nay đã 35 năm, trải qua 4 thế hệ Hiệu trưởng, đồng chí Trần Khoa là thế hệ Hiệu trưởng thứ 4. Một năm đảm nhiệm chức vụ Hiệu trưởng, đồng chí Trần Khoa đã thực sự đem lại một làn gió mới, một luồng sinh khí mát mẻ, dễ chịu, hài hòa làm nức lòng cả Hội đồng Sư phạm nhà trường; một cơ chế vận hành thông thoáng, linh hoạt đang đà phát triển. Nhưng vì nhiệm vụ chính trị, đồng chí Trần Khoa sẵn sàng đến nhận công tác ở một môi trường mới còn nhiều khó khăn và hoàn toàn mới mẻ. Đây là một trọng trách nặng nề mà Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương đặt lên vai đồng chí.
Năm 1998, đồng chí Trần Khoa chuyển về trường công tác cho đến nay đã được 16 năm. Trong khoảng thời gian đó, dù ở cương vị nào, đồng chí Trần Khoa có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển chung của nhà trường. Từ khi đồng chí được cấp trên bổ nhiệm Hiệu trưởng, Bí thư Đảng ủy, trên cương vị mới, bằng lòng nhiệt huyết, say mê của sức trẻ, đồng chí là người thuyền trưởng định hướng con đường nhà trường một lối đi riêng trên dòng hải lưu không hề lẫn nhòa mà rất đối thuận chiều mát mái. Trong những năm qua, đồng chí tổ chức các sự kiện của nhà trường rất thành công, ấn tượng, vui vẻ, đoàn kết, có tính giáo dục truyền thống, biểu đạt cho nét đẹp văn hóa sư phạm, tạo thành hiệu ứng rung chấn cảm xúc giao thoa giữa thầy cô với các em học sinh thân yêu. Đặc biệt đồng chí là người đặt viên gạch đầu tiên xây nền móng vững chắc ngôi nhà chung của Hội Cựu học sinh khu vực phía Bắc. Hội đã thể hiện những nghĩa cử cao đẹp như tri ân thầy cô nhân ngày 20/11; ngày Tết cổ truyền; tặng quà cho học sinh nghèo vượt khó khi mỗi độ Tết đến, xuân về. Với tư duy mẫn tiệp xuất phát từ trái tim nhạy cảm, đồng chí cùng các thành viên đã hình thành và thắp sáng lên một Hệ giá trị. Đó là Hệ giá trị Hội Cựu học sinh THPT Mạc Đĩnh Chi.
Tổng kết chặng đường công tác của đồng chí ở trường ta trong 16 năm qua, có thể khẳng định, đồng chí Trần khoa luôn lấy chữ Tâm làm la bàn định hướng cho mọi hành động, làm kim chỉ nam cho tư duy của mình. Đó là cái Tâm trong cách ứng xử với thời thế; cái tâm trong quan hệ đúng mực với đồng nghiệp; cái Tâm trong nghĩa trọng thầy trò; cái Tâm của đạo đức nhà giáo. Chính vì thế, đồng chí đã dành trọn được sự tin yêu, mến phục của cả tập thể Hội đồng Sư phạm nhà trường, sự kính trọng, ngưỡng mộ của các thế hệ học sinh. Đấy là phần thưởng cao quý nhất, là tấm huân chương tinh thần vô giá mà đồng chí xứng đáng được nhận.
Hẳn chúng ta còn nhớ năm 2013, trong quyết định cuối cùng, đồng chí Trần Khoa cũng cho thấy sự sáng suốt, bình dị của mình: Nếu chọn con đường chính trị thăng tiến thì phải đoạn tuyệt với bảng đen phấn trắng, và đồng chí đã dứt khoát lựa chọn con đường thứ hai, ở lại trường để được dạy dỗ các em học sinh – nguồn cảm hứng bất tận, điểm tựa tinh thần vững chắc trong cuộc đời dạy học; được gần gũi, sẻ chia, gánh vác cùng với đồng nghiệp biết bao bộn bề của trường lớp trên con đường hội nhập. Thấu hiểu nhân tình thế thái, thấu hiểu cái anh minh của lòng người, đó là điều mà đồng nghiệp, anh em, bạn bè, phụ huynh học sinh và các thế hệ học trò luôn quý mến, tin tưởng ở đồng chí. Đồng chí tự đáy lòng coi mình thuộc về học sinh, tất cả vì học sinh thân yêu thì chính các em học sinh tự nhiên coi đồng chí đã thuộc về họ. Có lẽ đó là điều quý giá nhất với đồng chí, quý giá hơn tất thẩy những lời ngợi ca, hơn tất thảy những gì cuộc đời đã vinh danh.
Hôm nay Hội đồng Sư phạm tổ chức chia tay đồng chí Trần Khoa – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường luân chuyển công tác. Đây là cuộc chia tay rất đỗi ngọt ngào, đong đầy cảm xúc đa diện: Có người đang mang một tâm trạng hụt hẫng, trống trải; có người cảm thấy luyến tiếc, khôn nguôi; có người vẫn còn ngỡ như là không phải sự thật; và có người không muốn đồng chí dời xa. Tất cả chúng ta đang chìm trong một không khí, một cảm xúc nao lòng người ở, thẫn thờ người đi. Nhưng cũng trong cuộc chia tay này, thực sự có một cái gì ấm áp lan tỏa trong tim mọi người, một cái gì thân thương, gần gũi nhau hơn, thấy những gì tốt đẹp nhất trong mình trỗi dậy mạnh mẽ. Đó là cái bắt tay động viên nhau đoàn kết nơi ghế đá sân trường của những người ở lại; đó là lời dặn dò chân tình, gan ruột với đồng nghiệp, với các em của người ra đi; đó là những giọt nước mắt đầy vơi trong đêm khuya khi giấc ngủ chưa tròn của một ai đó…Đấy không phải là những cảm xúc nhất thời, bộc phát mà là một sự dồn nén của tình cảm sâu thẳm từ trong tâm cảm, tâm thức của đồng nghiệp đã biến thành những làn sóng yêu thương tràn đầy sự trân quý. Phải chăng đồng chí Trần Khoa đã để lại một hình ảnh đẹp, một niềm tin cần thiết, như một chất kết dính, như một tấm gương để chúng ta gửi gắm một niềm hy vọng.
Cuộc đời vốn hết sức công bằng, không bao giờ một tấm gương đẹp, một con người có Tâm lại bị phủ nhận trước sự đánh giá của xã hội và đồng nghiệp. Thời gian đã lên tiếng và trả lời hộ anh. Trong những ngày chúng ta được biết anh luân chuyển công tác theo sự điều động của cấp trên, uy tín và tầm ảnh hưởng của anh càng được đẩy lên cao dù anh vẫn lặng lẽ, kín đáo. Đã từ rất lâu, vị trí của anh trong ngôi trường này mà tình cảm và lòng quý trọng của chúng tôi dành cho anh là bất biến, là không gì có thể lay chuyển nổi. Đó là tài sản tinh thần vô giá mà cả Hội đồng Sư phạm nhà trường xin tặng anh trong giờ phút chia tay đầy lưu luyến và ý nghĩa này. Chúng tôi – những người ở lại, chúc anh đến nơi công tác mới luôn mạnh khỏe, bình an và đem tâm huyết, trí tuệ của mình xây dựng trường THPT Nam Sách 2 ngày càng phát triển. Chúng tôi mong anh luôn nhớ về mái trường THPT Mạc Đĩnh Chi thân yêu – nơi ấy có những đồng nghiệp và các em học sinh của anh vẫn đang dõi theo từng bước chân anh đi. Tất cả chúng tôi – những người ở lại, mãi coi anh là người thân, người anh, người em, người học trò ưu tú trưởng thành từ ngôi trường này và luôn mở rộng cánh cửa đón anh trở về thăm lại trường xưa bằng tất cả tấm chân tình thương nhớ. Chúng ta, những người ở lại, trong giờ phút này hãy nắm chặt tay nhau, đoàn kết hơn nữa để duy trì những gì là cốt cách tâm hồn của trường ta, những gì là truyền thống tốt đẹp của trường ta mãi mãi bền vững xứng danh tên tuổi Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi và quyết tâm đồng chí, đồng lòng đưa nhà trường vững bước đi lên.
Những tình cảm sâu sắc mà cả Hội đồng Sư phạm nhà trường dành cho đồng chí Trần Khoa trong buổi chia tay ngày hôm nay là một dấu ấn đẹp đẽ vô cùng. Dấu ấn đó chỉ có thể thăng hoa vào những phút dây cuối khi chúng ta được kiểm chứng bằng cả tấm lòng đan kết tấm lòng, bằng tình cảm nói hộ tình cảm. Những giọt nước mắt ấm nồng của người ra đi hòa trong nước mắt nghẹn ngào của người ở lại. Tất cả những trái tim đều tan chảy theo theo dòng cảm xúc: hụt hẫng, trống trải, bịn rịn, luyến tiếc, khôn nguôi. Những gì tốt đẹp nhất mà chúng ta và đồng chí Trần Khoa dành cho nhau sẽ là một kỉ niệm đẹp, là một tài sản tinh thần vô giá mà mỗi chúng ta cần phải lưu giữ một cách trân trọng.

NGHỊ ĐỊNH MỚI VỀ CHẾ ĐỘ NHUẬN BÚT


19:12 | 14/03/2014

Chính phủ ban hành Nghị định mới về chế độ nhuận bút

(Xây dựng) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, có hiệu lực thi hành từ 1/6/2014.

Ảnh minh họa.
Nghị định này áp dụng đối với tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, nhà báo, phóng viên, biên tập viên, cơ quan báo chí, nhà xuất bản và các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan đến tác phẩm báo chí, xuất bản phẩm.
Nghị định nêu rõ, mức nhuận bút, thù lao trả cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả và những người tham gia thực hiện các công việc liên quan đến tác phẩm báo chí, xuất bản phẩm căn cứ vào thể loại, chất lượng tác phẩm, mức độ ảnh hưởng của tác phẩm đến kinh tế - xã hội, mức độ đóng góp vào tác phẩm, các quy định khuyến khích sáng tạo tác phẩm tại Nghị định này và quy định của cơ quan báo chí sử dụng tác phẩm hoặc theo hợp đồng sử dụng xuất bản phẩm với nhà xuất bản. Mức nhuận bút của tác giả không thấp hơn mức thù lao của người tham gia công việc có liên quan đến tác phẩm cùng thể loại.
Tác giả của tác phẩm dành cho thiếu nhi, dân tộc thiểu số, phóng sự điều tra; tác giả là người Việt Nam viết trực tiếp bằng tiếng nước ngoài, người Kinh viết trực tiếp bằng tiếng dân tộc thiểu số, người dân tộc thiểu số viết trực tiếp bằng tiếng của dân tộc thiểu số khác; tác giả của tác phẩm được thực hiện trong điều kiện khó khăn, nguy hiểm và những trường hợp đặc biệt khác được hưởng nhuận bút cao hơn nhằm khuyến khích sáng tạo.
Tác phẩm thuộc loại hình sáng tác, nghiên cứu được trả nhuận bút cao hơn tác phẩm dịch, phóng tác, cải biên, chuyển thể, sưu tầm, biên soạn, chú giải, tuyển tập và hợp tuyển. Tác giả được hưởng nhuận bút theo quy định của cơ quan sử dụng tác phẩm khi tác phẩm đó được sử dụng làm tuyển tập, hợp tuyển, phóng tác, cải biên, chuyển thể, sưu tầm và biên soạn thành tác phẩm mới hoặc dịch sang ngôn ngữ khác. Đối với tác phẩm gốc được dịch sang ngôn ngữ khác để thể hiện trên loại hình báo chí khác hoặc ấn phẩm báo chí khác của cùng một cơ quan báo chí, việc chi trả nhuận bút thực hiện theo quy định của từng cơ quan báo chí.
Tác phẩm lưu hành nội bộ, không kinh doanh hưởng chế độ nhuận bút thấp hơn tác phẩm thuộc thể loại tương ứng có kinh doanh. Mức nhuận bút do tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả và bên sử dụng tác phẩm thoả thuận.
Cũng theo Nghị định, đối với tác phẩm đồng tác giả, tỷ lệ phân chia nhuận bút do các tác giả thoả thuận. Tác phẩm báo chí đăng tải lại có trích dẫn nguồn của cơ quan báo chí khác đã có thoả thuận chia sẻ thông tin theo quy định về bản quyền, nhuận bút do các cơ quan báo chí thoả thuận quyết định.
Trích lập quỹ nhuận bút
Cơ quan báo chí trích lập quỹ nhuận bút trong phạm vi nguồn đã được quy định. Quỹ nhuận bút dùng để trả nhuận bút cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả có tác phẩm được sử dụng; trả thù lao, lợi ích vật chất; tổ chức các hoạt động khuyến khích sáng tạo, không sử dụng vào mục đích khác.
Nghị định nêu rõ, chậm nhất 60 ngày, kể từ ngày tác phẩm được đăng tải, công bố, bên sử dụng tác phẩm phải trả hết tiền nhuận bút cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định.
Tác giả làm việc theo chế độ hợp đồng với cơ quan báo chí sử dụng tác phẩm, sáng tạo tác phẩm ngoài định mức được giao của cơ quan báo chí, được hưởng 100% nhuận bút.
Người thuộc cơ quan báo chí sử dụng tác phẩm thực hiện các công việc liên quan đến tác phẩm báo chí ngoài định mức được giao, hưởng 100% thù lao.
Hệ số tối đa nhuận bút tác phẩm báo in, báo điện tử từ 10-50
Nghị định nêu rõ, đối tượng được hưởng nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm báo in, báo điện tử gồm: 1- Tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả có tác phẩm được cơ quan báo chí sử dụng; 2- Lãnh đạo cơ quan báo chí, biên tập viên và những người tham gia thực hiện các công việc có liên quan đến tác phẩm báo chí; 3- Người sưu tầm tài liệu, cung cấp thông tin phục vụ cho việc sáng tạo tác phẩm báo chí.
Khung nhuận bút cho tác phẩm báo in, báo điện tử được quy định hệ số tối đa là 10 đối với tin, trả lời bạn đọc, tranh, ảnh. Đối với thể loại chính luận, phóng sự, ký (một kỳ), bài phỏng vấn, sáng tác văn học, nghiên cứu thì hệ số tối đa là 30. Riêng thể loại trực tuyến, Media thì hệ số tối đa là 50.
Đối với tác phẩm báo nói, báo hình thì hệ số tối đa cho thể loại tin, trả lời bạn đọc là 10; đối với thể loại chính luận, phóng sự, ký (một kỳ), bài phỏng vấn, sáng tác văn học, nghiên cứu, hướng dẫn khoa học giáo dục là 30 và tọa đàm, giao lưu là 50.
Trong đó, giá trị một đơn vị hệ số nhuận bút bằng 10% mức tiền lương cơ sở.

Quốc Bình
Bản in

Các bài đã đăng: