Thứ Tư, 30 tháng 11, 2011

yêu ghét công bằng

YÊU GHÉT CÔNG BẰNG

Hãy yêu những-gì-đang-ghét
Hãy ghét những-gì-đang-yêu
Lạnh lùng,công tâm suy xét
Những gì đáng ghét,đáng yêu !... 


phố Hóp 12h10' 30-11-2011 T.D


LÃNG MẠN-LÃNG SẸC


LÃNG MẠN...


Lãng mạn thì ở trên mây
Lãng "sẹc" của cuộc-đời-này đó nha
Ta về sống với lòng ta
Sống vui,sống khỏe,để ra ...với đời
Đời là một cái CHỢ TRỜI
Thích gì mua nấy chẳng mời mọc chi
Hỏi ta-Ta thích cái gì
Đã không tự biết-Còn đi CHỢ TRỜI ?

Phố Hóp chính ngọ 30-11-2011 tức 06-11-Tân Mão THANH DẠ



BẤT CHỢT

Người yêu chỉ ở trong mơ
Người chồng,người vợ thì sờ bằng tay
Sự đời thật trớ trêu thay
Rượu thì miệng uống;còn say thì... đầu !*

Phố Hóp 11hoo 30-11-2011 T.D

Thứ Hai, 28 tháng 11, 2011

NGƯỜI ĐƯỢC GIẢI NHẤT TOÀN QUỐC THƠ ĐƯỜNG-LUẬT 2009

  Đó là một cô gái nhỏ nhắn,trắng trẻo thư sinh ,nói giọng miền Nam…mà đoàn đại biểu Hội Thơ Đường-luật Hải Dương gặp trên chuyến tàu Hà-nội đi Huế cuối tháng 3-2009.Đoán biết chúng tôi là dân “thơ thẩn”,cô chủ động bắt chuyện: “Em cũng là đại biểu Đại hội thơ Đường-luật toàn quốc của thành phố Hồ Chí Minh ra Huế họp nè!”Rồi cô nói rõ hơn rằng quê cô ở Hưng-Yên;Mượn dịp này về thăm quê từ mấy hôm trước.Nay lại lộn lại Huế dự Đại Hội,xong là “dô luôn trỏng…”.Với giọng nói mềm mại,có phần ngọt ngào,chân thật…cô đã chinh phục đoàn chúng tôi một cách nhanh chóng.Chúng tôi “kết nạp”cô vào đoàn ngay tắp lự.Cô tin tưởng và cởi mở khoe: “Kỳ này em ra còn có một việc nữa là nhận giải Nhất thơ năm 2009 nữa đó nha !”Bọn tôi tỏ vẻ nghi ngờ,hỏi: “giải nhất bài gì?thử đọc nghe coi!”Cô bảo đó là bài “Thu trên non”;và đọc luôn:
  
      Thu vừa thức giấc ở trên ngàn
      Tiếng thở bình minh,sương sớm tan
      Có bước chân nào đi rất khẽ
      Hay làn gió mới thoảng âm vang
      Hương rừng phảng phất màu hoang dại
      Mạch sống bừng lên khúc rộn ràng
      Đất trở mình vui theo suối chảy
      Líu lo chim hót gọi mùa sang

 Chúng tôi hoan hô nhiệt liệt chúc mừng,xen lẫn vào  vài câu thì thào hỏi lại rằng có đối hay không …của ai đó.Cái không khí lạ lùng của thi ca lập tức làm cho mọi người quấn quýt nhau ngay…Rồi những ngày ở Cố-đô,lúc ăn cơm,lúc xuống thuyền nghe hát trên Sông Hương…cô đều tranh thủ tách đoàn về ngồi với “ Đồng-hương,Đồng-khói”Hải-Hưng !...
      Lần chia tay đầy lưu luyến ở Huế cũng là bắt đầu việc xướng-họa thơ với nhau từ xa giữa chúng tôi và NHẬT-HẠ (Bút danh của cô;Còn tên thật của cô là Bùi Thị Hạnh).Trong những bài xướng họa ấy,chỉ có bài “Tha thiết tình ai”của Tạ Anh Ngôi (bài xướng-mà tôi đã giới thiệu với xóm)và bài họa
Sau đây của Bùi Thị Hạnh tạo thành một cặp xướng-họa “đôi lứa xứng đôi”nhất. Xin giới thiệu lại:
      Bài xướng: Tha thiết tình ai (Tạ Anh Ngôi)
   
      Lựa phím nâng đàn đợi cố nhân
      Câu thương câu nhớ ướp hương vần
      Trải dài năm tháng trao cho hạ
       Tô đậm tứ,câu gửi tới xuân
       Chén rượu la đà tình viễn xứ
       Tiếng tơ day dứt bước phong vân
       Ánh trăng mờ ảo khơi vườn mộng
       Tha thiết tình ai biết mấy lần

       Bài họa của Nhật-hạ như sau:Cố nhân

        Dưới cội mai già nhớ cố nhân
        Thiết tha nhắn gửi một đôi vần
        Gió theo gót hạ xanh đường hạ
        Trăng dọi đường xuân đẹp gót xuân
        Chạm chén sơn hà tình lữ khách
        Vịnh câu phong nguyệt cảnh yên vân
         Đêm xưa đối bóng bên bờ mộng
         Thoảng chút thương yêu nhớ những lần…

         (Bài viết ngày 08-3-2010 tại tp Hồ Chí Minh)

          Khoảng tháng 8-2010 Nhật Hạ một mình lên tàu ra Bắc đi thăm Côn-sơn,Kiếp-bạc và thăm chúng tôi để nói lời chia tay sang Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ theo chương trình đoàn tụ gia đình .
          Những dòng này của tôi rất có chọn lọc.Nếu nó mang lại chút gì thí dụ cho thi huynh,thi hữu về thơ đường-luật và cách xướng họa thơ đường-luật;đồng thời mang lại chút an ủi nỗi nhớ của kẻ xa quê …thì tôi rất lấy làm vui

          Phố Hóp 20h ngày 28-11-2011 thanh dạ -thành viên xóm Tri Ân
LUẬT CHƠI XƯỚNG-HỌA THƠ

Chơi mà cũng có Luật !Nghe ra có vẻ lạ.Song,đúng là như vậy.Bởi nếu không có luật thì cuộc chơi nào cũng sẽ trở thành CUỘC CHỌI.Mà chọi thì kể cả CHỌI TRÂU ở ĐỒ SƠN rồi bên thắng,bên thua cũng thành món nhậu cả.Phải có luật để định giá đúng,sai để có chuẩn cho người ta phấn đấu.Nếu không thì LOẠN XÌ NGẦU RÁO CHỌI.Ngay như 2 người cùng nhau thuê một phòng trọ cũng phải có quy định với nhau về giờ giấc đi,về…khóa mở ra sao.Có thế mới hợp đồng ăn ở lâu dài với nhau được.Chơi Thơ cũng vậy.Lục bát cũng có luật ,Đường luật cũng có luật.Xướng-Họa cũng có luật …Người hiểu luật,chấp hành tốt thì không bị phê phán chê bôi.Do vậy mới có câu “Nhập gia tùy tục”..Còn không thì chuẩn bị sẵn tinh thần nhận lấy búa rìu phê phán để được sáng mắt,sáng lòng .Thế mới là khiêm tốn,mới là CẦU THỊ.Vậy nên cứ phải theo luật mà chơi,mà sống.Xin các thi huynh,thi hữu cố gắng tìm hiểu LUẬT XƯỚNG HỌA để cho nhau những tặng phẩm có giá trị cao,giá trị hoàn hảo đó nha.Chúc các thi huynh,thi hữu thành công ! Bây giờ Thanh Dạ xin mời các thi huynh,thi hữu họa 2 bài thơ TỨ TUYỆT cho dễ hơn -vì không phải trả nhiều VẦN và không cần ĐỐI cũng được:
                 
             Bài 01: TRẦM TƯ VƯỜN VẢI
            
             Bây giờ quả đỏ trĩu trên cây
             Nhớ máu ngày xưa xối đất này
             Mật ngọt làn môi,Lòng bỗng chát
             Quầng thâm mắt lá;Lệ vương cay !

             Bài 02 :THƯƠNG TIẾC LÃO NÔNG

             Suốt đời cặm cụi dưới đồng sâu
             Giông bão,đa đoan bạc mái đầu
             Dứt áo ra đi cơn gió thoảng
             Giữa mùa gặt hái lúa đang mâu !

Xin kính mời các thi huynh,thi hữu .Kính chúc các thi huynh,thi hữu thành công !

Phố Hóp 11h15’ ngày 27-11-2011 T.D


NGÓNG ĐỢI THI NHÂN
(họa bài Tha Thiết Tình Ai
Của Tạ Anh Ngôi)

Nâng đàn,lựa phím đợi thi nhân
Để được giao lưu,được họa vần
Tháng lại,ngày qua đi hết hạ
Phượng tàn,sen héo hẹn sang xuân
Đồ ăn có sẵn cầy-tơ-Hóp
Thức uống thường lưu rượu-nếp-Vân*
Chỉ thiếu một người ta muốn gặp
Càng mong càng nhỡ biết bao lần

Phố Hóp 23h40’ ngày 27-11-2011 T.D


Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2011

LỜI CẢM ƠN CÁC THI HỮU

Trong thời gian vừa qua ,tôi có mời các thi hữu họa bài “Cứ ngỡ về hưu…” của tôi.Các thi hữu đã rất nhiệt tình họa lại.Điều đó làm tôi rất cảm động.Vậy xin có lời chân thành cảm ơn các thi hữu,thi huynh .Kính chúc các thi huynh,thi hữu mạnh khỏe,vui vẻ và càng ngày càng yêu…thơ hơn .Tôi cũng cảm ơn riêng thi hữu Đỗ Đình Tuân đã kịp thời có bài “VÍ DỤ VỀ THƠ XƯỚNG-HỌA HỢP CÁCH” góp phần hướng dẫn cho mọi người tham gia chiếu chơi thú vị này.Hôm nay TRI ÂN CUỘC ĐỜI lại đăng lên 2 thí dụ về xướng họa của các bậc tiền bối Nguyễn Trãi-Nguyễn Thị Lộ và Nguyễn Hải Thần-Hồ Chí Minh…cũng là góp phần làm rõ Luật chơi thơ xướng họa.Tựu trung là xướng-họa thơ đường-luật khó hơn xướng-họa các thể thơ khác ở chỗ bài họa phải trả lại đủ 05 vần và  không được lặp lại những chữ ÁP VẬN của bài xướng (nếu xướng-họa thơ Đường-luật TỨ TUYỆT hẳn có phần dễ hơn ;vì chỉ phải trả lại có 03 vần).Còn như trong 02 cặp xướng họa do TRI ÂN đưa lên thì BÀI HỌA vẫn có quyền lặp lại cả những từ,những chữ ÁP VẬN ? …Qua đợt xướng-họa lần này,tôi thấy rất vui như được gợi chuyện với nhiều thi huynh,thi hữu.Từ đó tôi nảy ra ý kiến đề nghị BQT XÓM tiếp tục phát động phong trào xướng-họa trong xóm cho không khí khu dân cư thêm phần rộn rã,vui tươi ;Lại vừa nâng cao được “tay nghề” khi làm thơ Đường-luật .Nếu được,tôi xin trân trọng cảm ơn !Nhân đây tôi xin giới thiệu một bài thơ mời họa của thi hữu Tạ Anh Ngôi (đương kim phó chủ-tịch Hội Thơ Đường Luật VN tỉnh Hải-DƯƠNG) như sau:
              
         THA THIẾT TÌNH AI*

Lựa phím,nâng đàn đợi cố nhân
Câu thương,câu nhớ ướp hương vần
Trải dài năm tháng trao cho hạ
Tô đậm tứ câu gửi tới xuân
Chén rượu la đà tình viễn xứ
Tiếng tơ day dứt bước phong vân
Ánh  trăng mờ ảo khơi vườn mộng
Tha thiết tình ai biết mấy lần

Phố Hóp 13h15 ngày 27-11-2011 T.D
*bài thơ này tác giả gửi đi HOA-KỲ cho bạn thơ NHẬT HẠ

Thứ Năm, 24 tháng 11, 2011

CHẲNG MẤY NHÀN
(lại tự họa lần 3 bài Cứ ngỡ về hưu…)

Đầu óc bây giờ giống sắt han
Cá kho,nước muống lại đem chan
Ăn vào một lúc liền trương bụng
Nôn mửa liên hồi chỉ tóe toan
Đệ tử bàn nhau đưa bệnh viện
Hiền huynh quyết định họp phòng ban
Bấy nay bụng dạ ngài huynh trưởng
Ăn uống triền miên chẳng mấy nhàn !

Phố Hóp 13h00 ngày 24-11-2011 T.D

Thứ Tư, 23 tháng 11, 2011

THẾ TRẬN NHÀN
(lại tự họa lần 2 bài Cứ ngỡ về hưu…)

Lúc xối mưa dầu,lúc nắng chan
Người như nhận “chỉ” của trời ban
Nhắm nghiền đôi mắt,im hạt thóc
Ngậm chặt hàm răng sợ lá han
Trời đã không tô màu lục diệp
Người càng quyết giữ sắc hồng toan 
Xưa nay nhân định nhiều phen thắng
Địch họa,thiên tai…thế trận nhàn !

Phố Hóp 13h’00 ngày 23-11-2011 T.D
CHẲNG THÍCH NHÀN
(tự họa bài “Cứ ngỡ…”)

Chẳng muốn về hưu,chẳng thích nhàn
Nhuộm đầu ở lại-để mưu toan
Tư duy đổi mới màu bơ rỉ
Giọng nói hùng hồn tiếng xẻng han
Đã giỏi ba hoa cầu dưới tín
Còn tài nịnh hót để trên ban
Công lao nhão nhoét như tương mốc
Phần thưởng mai này có mẻ chan !

Phố hóp 22-11-2011 thanh dạ 

Thứ Hai, 21 tháng 11, 2011

CỨ NGỠ VỀ HƯU...

(kính mời các nhà giáo về hưu họa lại cho vui)

Cứ ngỡ về hưu sẽ được nhàn
Ai ngờ lắm việc phải lo toan
Cha già,mẹ yếu cần săn sóc
Con dại,cháu thơ kíp hỏi han
Hiếu hỉ liên tằng Làng,Xóm,Họ
Họp hành thường nhật Hội,Câu,Ban…
Lương còm,sức kiệt,thời gian ít
Vẫn phải chân tình,phải chứa chan !

 phố Hóp 20-11-2011 T.D

Thày NGUYỄN HUY CA hội viên cao tuổi nhất của HỘI CỰU GIÁO CHỨC xã NAM-HỒNG (90tuổi)
Chúc thọ các thầy,cô giáo tròn tuổi 70-80
ông NGUYỄN VĂN NGỞI-trưởng ban văn hóa xã chúc mừng HỘI CỰU GIÁO CHỨC

Giáo viên ba trường MẪU GIÁO,TIỂU HỌC,THCS xã NAM-HỒNG chúc mừng HỘI CỰU-GIÁO-CHỨC


Thứ Tư, 16 tháng 11, 2011

EM CHÀO THÀY
(thân tặng bạn Đỗ Đình Tuân 
nguyên gv Văn THPT Chí-Linh)

Em chào Thầy !-Thầy chẳng nhớ ra em !
Em thì lại không thể nào quên được
Cái tiết học Văn 40 năm trước
Ôi giọng thầy như nước mát mầm cây

Ngày Tri-Ân ,hạnh ngộ gặp thầy đây
Thầy già quá;Em không còn trẻ nữa
Ý nghĩa văn chương vẫn ngời như lửa
Em nhớ Thầy từ bữa...sáng tin yêu !

Chí Linh 19h00 ngày 16-11-2011 TD

Từ một tiết dậy văn



-Em không thể nhận ra thày
Thày gày nhỏ
Thày hom hem quá
Nhưng tiết dậy văn
Hoàng Lê nhất thống chí
Sao thày giảng lại hay đến thế
Đến bây giờ em vẫn nhớ không quên.

-Thày nắm tay trò…
Hỏi thăm lại họ tên
Người trò cũ… thày cũng đâu nhớ nữa
Nhưng âm ỉ một niềm vui
BỪNG TỎ:
Nơi hào khí những trang đời, trang sử
Thày trò ta từng gặp gỡ sẻ chia nhau.

16/11/2011
Đỗ Đình Tuân

VÀI HÌNH ẢNH TRI ÂN HỘI NGỘ NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VN 20-11-2011 TẠI CHÍ-LINH HẢI- DƯƠNG


CHỦ TRÌ CUỘC GẶP MẶT THÀY TRÒ CŨ:ĐẠI TÁ KIM QUY,TÔ HÀ,MINH HƯƠNG
NIỀM VUI DO HỌC TRÒ CŨ MANG LẠI



Thứ Hai, 14 tháng 11, 2011

CŨNG LÀ DO…
(tặng bác Minh Tư-tác giả bài thơ Cái-Tự-Do*)

Thơ nào cũng bởi-cũng là do
Chuẩn-Mực-Tình-Người :ấy thước đo
Ý đẹp,lời hay,tình…lắng đọng
Vần trơn,chữ chuẩn,tứ hay ho
Chợt xem có vẻ lơ mơ đấy
Thực chất thành công lại gấp ba
Thơ phú tự do cần tứ đẹp
Văn chương khuôn mẫu ghét yêu ma


Làng Hóp 14-11-2011 thanh dạ
*xem tại Tri Ân Cuộc Đời ngày 13-11-2011

Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2011

NGHE NGƯỜI HÁT
"BÀI CA TRÊN NÚI"
 (tặng ca sĩ Tô Hà)



Em hát Bài-ca-trên-núi
Tôi nghe qua đường In-tơ
Cứ thấy rất chi gần gũi
Cứ ngỡ như mình đang mơ



Sao sớm,sao chiều chỉ một
Hai người chỉ một con tim
Chỉ một động cơ thiêu đốt
Tự do một hướng đi tìm



Chẳng thấy dung nhan người hát
Chỉ có sóng và sóng thôi
Ôi sóng biển nào mặn chát
Vỗ về miền nhớ ...trong tôi !


   Phố Hóp 21h ngày 13-11-2011
                Thanh  Dạ

Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2011

         Cô giáo Nguyễn Thị Kim Cúc và nhà thơ Trần Đăng Khoa cách đây 44 năm .

Nhân Ngày Nhà –giáo-Việt-nam,tôi muốn cung cấp cho Xóm Tri-Ân một số tư liệu về nhà thơ Trần Đăng Khoa với cô giáo Kim Cúc-chủ nhiệm lớp của Khoa cách đây 44 năm .Thời Trần Đăng Khoa mới nổi (1967) nhiều người quan tâm đến những người giảng dậy và dìu dắt Khoa,cũng là lo cho tài năng trẻ .Bởi tài năng trẻ không được người dìu dắt tốt sẽ không phát triển được .Có nhiều người ở Hà-nội về hỏi Khoa : “Cô nào dạy tốt ?” Khoa đã trả lời: “Đã cùng một trường sư phạm đào tạo thì cô nào dạy mà chả tốt !”.Cô Kim Cúc kể : “Có hôm em dạy vẽ;Vẽ xấu quá,chả ra hình gì,cả lớp cười .Khoa bảo các bạn:Cô giáo có phải họa sĩ đâu mà vẽ đẹp.Chúng ta chỉ cần biết những nét cơ bản thôi !”.Lớp có làm tờ báo tường lấy tên là “Chim họa mi”do Khoa làm chủ bút.Cô Cúc đã động viên chủ bút và các cộng tác viên bằng một bài thơ như sau:
             Đăng Khoa đội trưởng đội thơ
             Có nhiều suy nghĩ,ước mơ diệu kỳ
             Thơ em chắp cánh bay đi
             Kiêm làm chủ bút mỗi khi đua tài
             Tính người điểm số một hai
             Hữu Nho không biết đóng vai gì nào
             Tâm thì đi chợ ra sao
             Mua quà nhiều thế,phong vào phần ai
             Xem thơ mới biết Lập tài
             Suốt ngày Lập chỉ học bài mà thôi
             Yêu trường,mến lớp đủ rồi
              Lộ còn nhớ cả chỗ ngồi,lối đi
              Tĩnh còi họa sĩ diệu kỳ
              Bé như đang nói điều gì Tĩnh ơi
              Mỗi tranh,mỗi cảnh,mỗi lời
              Thêm yêu cuộc sống,yêu đời,yêu thơ
              Ôi những em bé mộng mơ
              Tương lai tươi sáng đang chờ các em
              Họa Mi ơi hãy cố lên
              Hãy bay cao nữa mà xem cảnh trời
              Hồn nhiên,trong trắng yêu đời
              Những con chim nhỏ bầu trời quê hương
Và Trần Đăng Khoa đã làm bài tặng lại lớp như sau:
               Lòng em vui làm sao
               Được nghe thơ cô Cúc
               Ôi tiếng thơ của cô
                Bồi hồi và thúc giục
               
                Cô thúc em học giỏi
                Cô thúc em học chăm
                Nghe tiếng thơ của cô
                Như sao vàng chỉ lối

                Ngoài cửa mấy hàng tre
                Đều rung tai lắng nghe
                Tiếng thơ cô mát dịu
                Làm ngọt cả nắng hè

                 Bốn bề đều lặng ngắt
                 Cùng chúng em lắng nghe
      
                                     Trần Đăng Khoa  1967

Cô Kim Cúc người làng tôi (làng Hóp xã Nam Hồng huyện Nam Sách tỉnh Hải Dương) dạy ở trường tiểu học xã   Quốc Tuấn thời bấy giờ.Sau thời gian đó cô chuyển về Sao Đỏ huyện Chí Linh cho đến khi về hưu (2009).Những tư liệu trên tôi xin lại của cô giáo Kim Cúc

                 Người cung cấp :THANH DẠ làng HÓP xã NAM HỒNG huyện NAM SÁCH HD


ĐÙA BÁC ĐỖ ĐÌNH TUÂN
  (gửi tác giả bài thơ Tứ tuyệt vòng tròn)

Ai làm Tứ-tuyệt-vòng-tròn
Xem chóng cả mặt chẳng còn biết chi
Hãy làm Tứ-tuyệt-thẳng đi
Như thày-Tuân-khọm ngồi Ỳ-Hà-Ma
Vợ thì đùn đít lấy đà
Cho xe lên dốc để mà tập phi
Để xe đắp chiếu làm gì
Nó buồn,nó tịt BUZI là phiền !

Phố Hóp 11-11-2011 thanh dạ

phụ chép bài tứ tuyệt vòng tròn :

          Con tặng YAHAMA




Tuổi cha già con tặng ya…
Con tặng ya…đỡ sức ta
Đỡ sức ta đường xa khỏi mệt
Đường xa khỏi mệt tuổi cha già.

7/11/2011
Đỗ Đình Tuân
NHÀ GIÁO LÀM THƠ

Nhà văn,nhà thơ xuất thân từ nhà giáo khá nhiều.Có thể là nghiệp văn chương và nghề dạy học có những nét tương đồng. :Một bên nâng cao trí tuệ,tâm hồn con người thông qua nhận thức khoa học ;Còn một bên thông qua nghệ thuật.Nhiều nhà giáo trong khi còn đang đứng trên bục giảng cũng đã viết văn .Nhưng đặc biệt khi về hưu rồi thì số lượng người cầm bút sáng tác tăng lên gấp bội .Ở quê tôi (và ở nhiều nơi chắc cũng vậy),hễ ở đâu có Hội Cựu Giaó Chức là ở đó có Câu Lạc Bộ Thơ .Họ sáng tác không phải để đăng báo lấy tiền nhuận bút ,mà chủ yếu là để giao lưu,san sẻ tâm sự của mình trong giai đoạn “nhàn cư”để tránh xa “vi bất thiện”.Tuy vậy,thơ của họ
Được nhiều báo đăng, nhiều người đọc và nhớ.Có lẽ ,đó là thốn tâm tư,là lời nói thật lòng…của những người “ngoài vòng cương tỏa chân cao,thấp”,nên nó ĐỜI hơn chăng.Từ sáng tác của họ ta có thể hiểu hơn tâm tư tình cảm của những nhà giáo đã vượt qua nhiều khó khăn,tâm huyết với nghề.Đồng thời cũng học được những kinh nghiệm làm thơ-nhất là thơ Đường-luật.Do đó, tôi sẽ giới thiệu một số gương mặt thơ nhà giáo như vậy để  xóm ta cùng biết,cùng học hỏi thêm .Hôm nay xin được giới thiệu một người như vậy:Thày Nguyễn Thế Tường .
       Thày Tường tên thật là Nguyễn Văn Tường ,sinh năm 1932,quê ở Trung Hà xã Nam Tân,huyện Nam Sách  tỉnh Hải Dương.(chính quê của Lưỡng quốc trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi).Thày Tường nguyên là cán bộ Phòng GD huyện Nam Thanh tỉnh Hải Hưng.Đã có thời gian vào làm cán bộ Ty giáo dục tỉnh Tiền Giang.Hiện thày đang chuẩn bị mừng thọ tuổi 80 bằng bài thơ mời họa đầy lạc quan,đầy bản lĩnh như sau:
          Tám chục xuân xanh chửa chịu già
          Vẫn còn phong độ,vẫn hào hoa
          Khi vui diều sáo hồn bay bổng
          Lúc khoái thơ ca nghĩa đậm đà
          Xưa đã rạch ròi trong với đục
          Nay còn rành rẽ chính hay tà
          Lạc quan sống đẹp người thêm khỏe
          Trăm tuổi Ông Bành sẽ đón ta
                         (bài TỰ THỌ)
Tập thơ thầyTường vừa tặng tôi có 106 bài,phần lớn là thơ Đường-luật.Đề tài lớn mà thày đề cập đến là ca ngợi các bậc danh nhân của đất nước,tình yêu quê hương,tình cảm gia đình,tình thi hữu và những vấn đề đạo đức xã hội hiện nay .Bài thơ được giải 3 (không có giải nhất) trong cuộc thi do hội CGC tỉnh Hải Dương phát động là bài viết về Nam-quốc-nho-tôn Chu Văn An:
          Tiều-ẩn * lưu danh đất Phượng Hoàng
         Sáng ngời đạo học-Điện Lưu Quang
         Những mong Quốc thái-danh không hám
         Chỉ muốn dân an-lợi chẳng màng
         Dâng sớ tiễu trừ phường xiểm nịnh
         Từ quan lưu giữ gốc thanh quan
         Văn An sự nghiệp nhân văn sáng
         Sáng cả trời Nam,sáng sử vàng
                    (bài CHU VĂN AN)*tiều ẩn:tên hiệu của C.V.An
          Với người bạn đời,đã có 50 năm chung sống,vẫn luôn luôn dành một tình cảm chân thành,chung thủy và cũng không kém phần lãng mạn:
         Cho dù bà chẳng phải hoa khôi
         Tôi vẫn yêu thương suốt cuộc đời
         Không mối mai không thầy tính tuổi
         Chẳng xe hoa,chẳng áo tân thời
         Cháo rau mấy đận mà chung thủy
         Khoai sắn bao lần vẫn thảnh thơi
         Chăm sóc chồng con không tiếc sức
         Bà là hoa- hậu của riêng tôi
                    (bài THƠ TẶNG VỢ)
          Với bạn già đồng nghiệp,đồng niên thì động viên nhau giữ gìn sức khỏe,lạc quan yêu đời là tri âm nhất.Họa thơ thày Nguyễn Huy Khoát,nguyên phó giám đốc Sở GD Hải-Hưng ,thày viết:
          Tính tuổi năm rầy tám chục xuân
          Vẫn mong Bành tổ sẻ thêm phần
          Mắt lưa trang báo không cần kính
           Cẳng dạo quanh hồ chửa mỏi chân
          Nền nếp gia phong lo giữ trọn
           Nỗi lo bệnh tật cũng vơi dần
          Trời còn để sống còn hăng hái
           Sớm sớm gieo vần,tối viết văn
                      (bài MỪNG THỌ)
          Hình ảnh của Tiền Giang ,nơi thày đã có những năm tháng gắn bó trong môi trường giáo dục,vẫn còn in đậm trong ký ức nỗi nhớ,niềm thương da diết:
           Tiền Giang ơi biết mấy yêu thương
           Ngút ngát xanh tươi những miệt vườn
            Vú sữa Lò Rèn* thương dịu ngọt
            Sầu riêng Ngũ Hiệp* nhớ thơm hương
            Gò Công năm ấy bao lưu luyến
            Cai Lậy ngày nào mấy vấn vương
            Bảo-Định-Giang mang bao kỷ niệm
            Vẫn trong tôi những nhớ cùng thương
                           (bài Nhớ Tiền-Giang )
*Những địa danh ở tỉnh Tỉnh Tiền-Giang . Bảo-Định-Giang là tên con sông lớn ở tỉnh Hậu-Giang
              Và,cuối cùng là vẫn phải quan tâm đến thế thái,nhân tình…như ngày xưa thày Chu đã làm 
              Tuổi cao cũng muốn nghỉ cho rồi
               Thấy chuyện ngược đời liệu có thôi
               Đây kẻ háo danh còn giữ ghế
               Kìa phường vụ lợi vẫn ôm mồi
               Nếu còn vị nể,còn lơi lỏng
               Đâu có yên bình có thảnh thơi
               Nên mỗi vần thơ cần có thép
                Sẽ là ích nước phải đâu chơi
               Hưu mà vẫn không buông xuôi tất cả-vẫn lo vun đắp gia phong,quốc pháp…cho con,cho cháu, cho đời…âu cũng là tâm tư của các nhà giáo chúng ta

                 Phố Hóp 14h15’ 11-11-2011 thanh dạ

Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011


NGƯỜI ĐỒNG HÀNH
(Hồi ký của Thanh Dạ)

Như tôi đã nói trong bài “Tâm sự của một cựu giáo chức”,là làm Nghề Sư Phạm có nhiều nỗi buồn ,nhưng cũng không thiếu niềm vui.Tôi muốn nói đến một kỷ niệm vui mà tôi bất ngờ có được từ  đầu những năm 80 của thiên niên kỷ trước.Ấy là vào đầu xuân 1981,khi tôi đang đứng giữa sân ga Hải-Dương để chờ mua vé trở vào Đồng Nai trả phép sau đợt nghỉ tết tại quê nhà,thì thấy xuất hiện trước mặt một sĩ quan Quân Đội Nhân Dân Việt Nam        đứng nghiêm,mặt nhìn thẳng vào tôi ,giơ tay chào ,miệng hô: “Chào thủ trưởng !”.Tôi bỡ ngỡ nhìn ,chưa kịp nhận ra,thì người sĩ quan này đã nói luôn: “Em chào thày!Thày không nhận ra em sao? Em tên Đan học lớp Văn 1H.ở thôn Ty xã Thống Nhất Huyện Gia Lộc này !”Tôi chìa tay cho em và thoáng nhớ lại những ngày được tăng cường về dạy ở trường Trung Học Sư Phạm Hải Hưng cách đó tròn chục năm rồi.Ngày đó tôi được phân công làm chủ nhiệm và dạy một lớp Văn gồm toàn giáo sinh quê ở huyện Ninh Giang.Tôi cũng nhớ ra rằng lớp có tới 9 phần 10 là nữ.Chỉ có khoảng 05 người nam giới.Trong 05 người ấy thì đã có 02 người ở độ tuổi trung niên. Đan là một trong ba người trai còi của lớp.Hình như em hơi nhút nhát,ít khi dám một mình đến gặp tôi lần nào.Và,khi được gọi lên trả bài em thường hơi mất bình tĩnh,và dễ xúc động.Có lần,trong tiết giáo-dục-học,tôi có hỏi :Đối với người làm nghề sư phạm thì kiến thức khoa học và đạo đức…cái nào xếp trước,cái nào xếp sau?...thì em dứt khoát đạo đức phải xếp trước và là nền tảng.Thế mà giờ đây ngồi trước tôi lại là một sĩ quan rất phong độ:Người cao to,giắn giỏi,da đen xạm.Chỉ nụ cười là luôn mở rộng ,với hàng răng trắng lóa.Qua chuyện trò,được biết em đã phải nhập ngũ ngay sau năm thứ nhất Sư-phạm,và sau một thời gian ngắn huấn luyện đã phải sang chiến trường K chiến đấu.Và,hiện tại em đang làm trợ lý tham mưu sư đoàn bên đó.Lần này về Việt-nam xác minh lý lịch kết nạp Đảng cho môt đồng chí cùng đơn vị.Em phấn chấn nói:”May quá,thế là em đã có bạn đồng hành đến Sài-gòn rồi !”Thực ra câu ấy phải để tôi nói mới phải,vì lúc bấy giờ vào Nam ra Bắc còn rất khó khăn về chuyện mua vé.Tôi không thể quên được những lần ra Bắc lúc ấy.Khi mua được vé ra đã phải lo đến lúc mua vé vào.Đã nhiều lần tôi phải trải tấm ni-long ra nền Ga Hàng Cỏ ngủ đêm để chờ chực mua vé trong cái rét cắt da ,cắt thịt.Có người quen đồng hành thì có thể thay phiên nhau thức,ngủ trông đồ,chực mua vé,hoặc đi vệ sinh…Còn đi một mình thì cực kỳ vất vả. Có khi đi vệ sinh cũng phải mang tất tật ba lô,túi sách vào trong nhà xí…Còn đêm ngủ thì phải tháo quai ba-lô ra buộc vào chân mình rồi mới dám lơ mơ chợp mắt.Nếu không là bị mất,bị cướp sạch…Lần đi này tôi thực sự may mắn.Thôi thì từ việc xếp hàng mua vé,mua cơm…là em giành hết .Em bảo :Em có lệnh của quân đội nên họ phải ưu tiên,Thày khỏi lo !Tôi nói cho tôi gửi tiền mua vé và tiền ăn các bữa…em dứt khoát không chịu.Em bảo tôi:Thầy nhìn này-em chỉ vào cầu vai-ba sao một gạch đều bằng vàng cả đấy thày ạ .Chúng em công tác ở nước ngoài ,nên phụ cấp cũng khá .Thày cho phép em trả nghĩa thày vài bữa đi thày .Bên ấy vẫn còn ác liệt lắm,chẳng biết bao giờ thày trò mình mới lại được đồng hành như thế này .Nói thật với thày,em không bao giờ quên đươc cái lần mẹ em lên trường chơi,đang đi bộ với em từ bến xe về,nắng nôi nhễ nhại ,thì gặp thày chở vợ mới cưới của thày bắt kịp.Thày đã bảo cô đi bộ với em để thày chở mẹ em về nhà trọ trước rồi quay lại đón.Mẹ em cứ nhắc mãi chuyện ấy và bảo em phải mời bằng được thày về nhà chơi.Nhưng thầy thấy đấy, thằng học trò bất hiếu này đã hoàn thành được nhiệm vụ mẹ giao ấy đâu?Rồi em cười thật lớn như kẻ chiến thắng trước sự “tấn công” của tôi.Qủa tình tôi không nhớ được cái việc làm ấy.Thế mà em lại nhớ lâu thế.Hôm xuống ga Sài-gòn tôi có xin địa chỉ của em và dặn khi nào có dịp thì ghé vào Ty-giáo-dục Đồng-nai chơi với tôi;Tôi sẽ "đáp lễ"anh.
 Nhưng em bảo địa chỉ của em cho tôi chỉ là tạm thời;không cố định.Bao giờ về nước hẳn em sẽ vào Ty thăm tôi.Nhưng đã 30 năm trôi qua tôi đã mất liên lạc với em.Chẳng biết bây giờ em ở đâu?Chỉ có một điều chắc chắn là em vẫn mãi còn ở trong nỗi nhớ của tôi.

Phố Hóp những ngày NHÀ GIÁO VIỆT NAM - 23H25' 09-11-2011 THANH DẠ

Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

BÁC TUÂN ĐÃ CÓ…

Bác Tuân đã có “YA”*
Tức là xe máy MAX là vần Y
Xe này do các cháu chi
Qùa mừng bố mẹ một khi…tuổi già
Từ nay chẳng ngại đường xa
Thăm bầu,thăm bạn “xuất gia” đều đều
Hễ mà có rượu,tôi kêu
Hãy lấy xe máy mà đèo vợ sang
Trên từng cây số rộn ràng
Là khi xe máy đèo nàng ...đi chơi

Bà con xóm láng ta ơi
Bác Tuân đã có xe rồi,sướng không ?


Bản tin từ dodinhtuan’sblog 07-11-2011
*yahama



Thứ Hai, 7 tháng 11, 2011

HÃY YÊU (2)
(tặng Đỗ Đăng Biên)

Hãy yêu khi còn có thể
Sau này chẳng dễ yêu đâu
Tình yêu nguội dần về sau
Nếu ta không ngừng đốt nóng

Hãy yêu và luôn mơ mộng
Cuộc đời sẽ đẹp như mơ
Hãy yêu như là làm thơ
Hãy cháy như là nguyên tử

Dù sức rã rời,mệt lử
Tình yêu làm ta phục hồi
Như cây gặp xuân đâm chồi
Như hoa gặp xuân hoa tươi

Để mất tình yêu đi rồi
Là ta chẳng còn gì cả
Máu đỏ hóa thành nước lã
Đất trời ngàn năm hoang vu

Hãy hát bài ca tự ru
Hãy yêu khi còn có thể
Vui nhất ở trên trần thế
Là khi ta còn yêu nhau


 Phố Hóp 20h10’ 07-11-2011 T.D

HÃY YÊU
(yêu quý tặng Đỗ Đăng Biên )

“Hãy yêu khi còn có thể…”
Có thể…tại sao không yêu
 Tình đến rồi đi lặng lẽ
Vô tình hoang phí bao nhiêu

Hãy yêu những gì đáng yêu
Dù "chết trong lòng một ít"
Hãy yêu những gì cần yêu
Bằng tình nồng nàn,tha thiết

Bây giờ,về sau,vẫn biết
Sống được là vì còn yêu
Hãy yêu cuồng si,mãnh liệt
Những gì cần yêu,đáng yêu

Thành quách có thể vẹo siêu
Tóc bạc mà tình chẳng bạc
Ai bảo không còn quyền yêu
Ai xui dại khờ,biếng nhác ?


Phố Hóp 16h25’ 07-11-2011 T.D
NGẪU HỨNG ĐÊM KHUYA
(gửi cư dân xóm nhỏ Tri Ân)


Những gì tốt đẹp trên đời
Ta mang về xóm để mời nhau…”ăn”
Một câu thơ,một đoạn văn
Một lời thăm hỏi,một băng nhạc tình
Một pô ảnh,một tấm hình
Có chiều tím,có bình minh…của trời
Có phương thuốc để cứu người
Có câu chuyện nhỏ chọc cười thêm vui…

 Xóm Tri-Ân của tôi ơi
Tôi yêu Người đến... tả tơi cõi lòng !


Phố Hóp 03h ngày 07-11-2011 T.D