Thứ Năm, 27 tháng 10, 2011


BAO GIỜ ?
(hỏi bác M.T)
 

Bao giờ Làng Toán có "MẦU"
Tôi ngồi tôi vẽ một bầu trời mơ
Vẽ bầu rượu,vẽ túi thơ
Vẽ người uống rượu,vẽ cờ tung bay
 Mặt trời,Mặt đất đỏ gay
Gốc bàng,gốc mít cũng say la đà
                       Ngả nghiêng trời đất,cửa nhà
                       Vẫn không tắt nổi tiếng KHÀ vui tai
                       Bao giờ cho đến...ngày mai ?

                      

                                              ranh họa đại tài RTC

                   

LẠI BÀN VỀ “Ý” VÀ “TỨ” TRONG THƠ

    Vấn đề này đã được nhà lý luận văn học của Làng đề cập trước đây .Là một Phó-thường-dân trong làng,phát huy tinh thần “dân biết,dân bàn,dân.v.v”,tôi xin được ngoại đàm vài ý như sau:
    Khi có chủ định viết lách thì ai cũng tự đặt ra cho mình câu hỏi : Viết về vấn đề gì bây giờ ? Trong vấn đề này có những ý gì ? Những ý này được sắp xếp theo trình tự nào ? giọng điệu ,câu chữ ra sao cho phù hợp nhất với tinh thần của vấn đề định nói .
    Trong một loạt những câu hỏi nêu trên ,thì câu đầu và câu thứ hai thuộc về “Ý”.Còn những câu hỏi còn lại thuộc về “TỨ”.
    “Ý” và “TỨ” như HÌNH với BÓNG .Nói bài thơ có TỨ là nói rằng nó đưa lại cho người đọc sự nhận thức rõ ràng ,sâu sắc,độc đáo trọn vẹn về một vấn đề.Từ Ý đến TỨ là có sự gia công sâu hơn về ý tưởng và về nghệ thuật của nghệ sĩ. Nó giống như làm ra một cái bình hoa . Song tùy ở cách chế tác mà có các kiểu dáng ,mẫu mã và giá trị khác nhau
     Có lần đi thăm vườn sinh vật cảnh của một người bạn,nhìn thấy một cây đa cảnh,tôi nảy ra một ý : Đã là cây đa,cây đề mà chịu làm cảnh thì có vẻ hài hước,xuống thế quá,bèn hạ bút:
     
      Rễ khoan thấu đất,lá hôn trời
      Tán rộng che thân,tỏa mát đời
      Lộn kiếp cam tâm vào chậu cảnh
      Thu mình uốn éo để người chơi

      Mấy hôm sau tôi nghĩ đi,nghĩ lại thế nào ,đem bài thơ sửa lại như sau:

      Rễ khoan thấu đất,lá hôn trời
      Tán rộng che thân,tỏa mát đời
      Giống ấy đem ươm vào chậu cảnh
      Coi chừng mấy bữa chậu tan thôi

      Như vậy là cùng viết về CÂY ĐA CẢNH nhưng nhìn ở hai góc độ khác nhau sẽ nảy ra hai ý khác nhau và,phải CẤU TỨ khác nhau .Vậy theo tôi hiểu một cách thực tế là :Muốn làm cho bài thơ có ấn tượng thì phải biết CẤU TỨ-tức phải tìm cách trình bày,diễn tả CÁI Ý một cách sắc nét,nổi bật và hấp dẫn ...để làm cho "Ý"trở nên sâu sắc hơn,triết lý hơn,hàm xúc hơn,trọn vẹn hơn...mới thành "TỨ"
      Hiểu như vậy chẳng biết có trúng không .Có gì sai , xin bỏ qua cho kẻ LÝ SỰ...c...ù...n...này !

       
      làng hóp ngày 27-10-2011(tức ngày 01-10-tân mẽo) T.D