Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2012

THỦY ĐIỆN SƠN LA - BẢN HÙNG CA


Thủy điện Sơn La - Bản hùng ca sông Đà

6:25 AM, 22/12/2012
(Chinhphu.vn) - Khánh thành Nhà máy Thủy điện Sơn La không chỉ là sự kiện đánh dấu sự ra đời của một công trình điện lực lớn nhất nước, nguồn bổ sung vô cùng quan trọng vào sản lượng điện quốc gia mà còn là một tượng đài về ý chí của cán bộ, công nhân ngành Điện, của đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.
 
 
Hồ thủy điện Sơn La. Ảnh: VGP/Minh Huệ
 
Cuộc chế ngự Đà giang
 
Xây dựng Nhà máy thủy điện Sơn La, bậc hai trong hệ thống thủy điện trên sông Đà là ước mơ cháy bỏng của cán bộ, công nhân ngành Điện từ mấy chục năm nay. Đã lên Sơn La một lần, ai cũng nhớ hình ảnh dòng sông Đà hung dữ chảy giữa hai triền núi đá vôi hiểm trở. Làm thủy điện ở Sơn La là sự lựa chọn lý tưởng vì có dòng sông Đà trữ năng lớn nhất nước ấy, vừa ít tốn công xây đập, tiết kiệm đất nông nghiệp, tạo được hồ chứa nước chừng 9,5 tỷ m3 nước, rồi giao thông đường thủy, môi trường du lịch...
Hàng nghìn năm qua, tuy dòng sông Đà chảy qua nhưng nước sông Đà chỉ cuồn cuộn về xuôi, không giúp gì cho vùng rừng núi Tây Bắc này. Không có nước, rừng bị chặt phá, đất đai dần khô cằn, đá ong hóa giữa trời nắng lửa, biết bao thế hệ đồng bào thiểu số vì thế mà đói rách. Có đi trên những nẻo đường Tây Bắc vào những ngày hè nắng chang chang hay mùa khô rét buốt mới thấy hết sự khắc nghiệt của khí hậu nơi này, chủ yếu do thiếu nước. Những đồi sỏi gan gà khô tím,  đến cỏ không mọc được, trùng điệp hai bên đường…
Có thủy điện Sơn La, dòng nước sông Đà sẽ bị ngăn lại, cảnh mùa mưa phải xả hàng nghìn m3 nước phí hoài, mùa khô đỏ mắt chờ mưa thượng nguồn sẽ rất hiếm khi xảy ra. Có thể nói, đây là công trình thủy điện trọng điểm của trọng điểm, có tác dụng không chỉ đối với ngành Điện mà còn với nhiều lĩnh vực khác của miền Tây Bắc.
Nhưng xây dựng thủy điện Sơn La cũng có những khó khăn rất lớn. Trước hết là vốn. Riêng công trình chính, để có được hồ chứa nước rộng 224 km2, sản xuất hằng năm hơn 10 tỷ KWh điện với công suất lắp máy 2.400 MW, Nhà nước đã phải  chi tới hơn 60. 476,9 tỷ đồng. Nhưng không chỉ vậy, thủy điện Sơn La còn xây dựng  4 đường dây 500KV để chuyể tải điện lên lưới quốc gia; còn phải làm mới hàng trăm km đường giao thông tránh lòng hồ; còn làm ngập  23.300 héc ta đất; còn  phải di chuyển gần 20.000 hộ bà con các dân tộc thuộc 3 tỉnh đến nơi tái định cư… Có được số tiền lớn như vậy trong hoàn cảnh đất nước còn nghèo quả không hề đơn giản. Thứ hai, nhà máy được xây dựng trên một nền địa chất thường xảy ra động đất của Việt Nam. Vì vậy, việc bảo đảm an toàn cho Thủ đô và cả vùng đồng bằng phía hạ lưu là vô cùng quan trọng. Từ chiều cao đập, chiều rộng hồ đến việc có nên xây nhà máy hay không  trên vùng đất ấy đều được đặt lên bàn Chính phủ, Quốc hội cân nhắc nhiều lần. Thứ 3, đây là công trình lớn đầu do ta tự làm từ khâu đầu đến khâu cuối. Biết bao bỡ ngỡ, bao ngần ngại, rồi có cả ý kiến ngăn trở…
Nhưng nhà máy đã hoàn thành và hoàn thành trước thời hạn 3 năm so với lời hứa trước Quốc hội, một kỳ tích ngoài sức tưởng tượng của nhiều người. Có được kỳ tích ấy là thành quả của ý chí Việt Nam, ý chí người thợ xây dựng điện Việt Nam, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, không tiếc mồ hội công sức vì dòng điện của tổ quốc. Và không chỉ sức chịu đựng gian khổ của hàng chục nghìn lượt người suốt 6 năm trời mưa dầm nắng lửa mà còn là sự chiến thắng của trí tuệ Việt Nam hiện đại, trí tuệ Việt Nam trong xây dựng hòa bình.

Làng bản tái định cư. Ảnh:VGP/Minh Huệ








Dịp đầu xuân năm nay, ông Thái Phụng Nê, Đặc phái viên của Thủ tướng cho rằng, để có thắng lợi này, có nhiều nguyên nhân nhưng có 6 nguyên nhân nổi bật, trong đó đầu tiên phải kể đến sự thông minh, dám nghĩ dám làm  của khâu thiết kế kỹ thuật (TKKT) trong đó nổi bật là các sáng kiến chia nhỏ việc TKKT thành nhiều giai đoạn để thi công ngay, không cần chờ đến bản TKKT tổng thể  được phê duyệt; thay đổi thiết kế đập; dùng phụ gia là tro bay Nhà máy điện Phả Lại sau khi đã lọc bớt than để hạ giá thành, đẩy nhanh tiến độ công trình; thay đổi từ 8 tổ máy xuống còn 6 tổ máy có công suất cao hơn…
Ông Nê cũng cho rằng để công trình hoàn thành trước kế hoạch, còn phụ thuộc vào kinh nghiệm xông pha trận mạc và tinh thần lao động hăng say của công nhân các nhà thầu, chủ yếu là các đơn vị đã xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình; sự tham gia tích cực của Bộ GTVT trong việc làm đường, cầu tránh ngập và hệ thống giao thông phục vụ công trình; việc bảo đảm cung cấp vốn đúng tiến độ và cuối cùng nhưng không thể không nhắc đến  việc các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu đã hợp tác tích cực trong việc di dân khỏi lòng hồ, tổ chức tái định cư cho bà con với rất nhiều cố gắng và sáng kiến…
Tất cả những sáng kiến, cố gắng ấy cuối cùng đều qui tụ ở một thành quả chói ngời những thập niên đầu của thế kỷ 21. Có thể trong thế kỷ này còn nhiều công trình tầm vóc nữa, nhưng nhà máy thủy điện Sơn La là công trình lớn nhất trong hệ thống thủy điện ở nước ta. Là sự chứng minh hùng hồn của lòng yêu nước hiện rõ qua bàn tay và khối óc của người lao động.
Sẽ là thiếu sót nếu không kể ở đây một “dự án thành phần” cực lớn: đó là việc di dời gần 100.000 người dân và ổn định nơi ở mới cho họ, lấy đất làm hồ thủy điện, một dự án do 3 tỉnh miền núi Sơn La, Lai Châu, Điện Biên đảm nhiệm.
Nói dự án thành phần là nói từ góc độ quản lý xây dựng, góc độ vốn nhưng vớinhững người xây dựng thủy điện Sơn La thì việc di dời gần 20.000 hộ với gần trăm nghìn người chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số Thái, Mông, Kháng, Dao, Xing Mun, La Hủ… và tái định cư cho họ theo nguyên tắc “nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ” là dự án lớn của trái tim, dự án thử thách tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, một công việc mang tính nhân văn lớn lao nhưng cũng vô cùng  gian khổ và phức tạp. Nó thể hiện sự tôn trọng quyền sống của con người, bất kỳ họ thuộc dân tộc nào, bất kỳ họ sống ở đâu trên đất nước Việt Nam, họ đều có quyền được nhà nước chăm sóc cả về vật chất và tinh thần.
Tôi đã chứng kiến cuộc di dân nhường chỗ cho Thủy điện Sơn La, không chỉ lần này mà cách đây đã mấy năm. Để bảo đảm tiến độ tích nước, 3 tỉnh phải di dời 20.000 hộ. Tỉnh Sơn La bố trí 62.000 khẩu vào các vùng tái định cư huyện Quỳnh Nhai, Mường La, Thuận Châu, Mộc Châu, Mai Sơn, Yên Châu, Sông Mã, Bắc Yên. Tỉnh Lai Châu có khả năng bố trí 20.000 khẩu, số khẩu cần định cư của hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên trong khi tỉnh cũng phải di dời cả thị xã Mường Lay (tỉnh lỵ tỉnh Lai Châu) để nhường đất cho lòng hồ thủy điện Lai Châu, sau khi thủy điện Sơn La chọn phương án cao trình đập thấp. Tỉnh Điện Biên phải di chuyển 3.840 hộ trong đó có một bộ phận chuyển đến tỉnh Lai Châu.
Để thực hiện kế hoạch này, từ đầu 2004, các tỉnh trên ngày nào cũng khẩn trương như trong một trận đánh lớn, nhưng trận đánh này không có khói lửa, không có tiếng súng mà là vốn,  khảo sát và xây dựng địa điểm định cư, giúp bà con thu dọn nhà cửa, mồ mả cha ông, rời nhà đến nơi ở mới.
Trong hình dung đầu tiên, nơi định cư phải đẹp hơn, tốt hơn nơi cũ nghĩa là sẽ có phố, nhà ở khang trang, vườn 400 mét mỗi nhà, các công trình hạ tầng như điện, đường, trường, trạm đầy đủ và với hình dung ấy, khu định cư mẫu Tân Lập mọc lên… Thế rồi, đến nơi mới, tuy đẹp mắt hơn nhưng làm ăn khó hơn, phải trông vào lương thực trợ cấp trong khi nhiều thứ còn dùng được ở nơi cũ phải vứt đi hoặc bán đổ bán tháo vì thế nhiều người không muốn đến hoặc đến nơi mới lại quay về…
Tiến độ di dân chậm lại. Di dân chậm lại thì không thể tích nước lòng hồ được. Không tích nước được thì dù tiến độ xây dựng đập có nhanh đến đâu cũng vô ích. Từ thực tế đó, lãnh đạo các tỉnh xin ý kiến cấp trên, thay đổi hẳn cách thức định cư. Đó là Nhà nước chỉ cấp tiền đền bù, cấp lương thực còn để bà con tự di chuyển nhà cửa, chuồng trại, đồ dùng trong nhà… đến nơi ở mới. Chủ trương này không những tiết kiệm được nhiều tiền của mà còn đẩy nhanh tiến độ giải phóng lòng hồ trước 2 năm, làm lợi cho nhà nước hàng trăm triệu đô la vì công trình vào phát điện sớm…
Giờ đây, hàng vạn con người tình nguyện rời bỏ mồ mả cha ông, rời bỏ đất vườn, đất ruộng mồ hôi nước mắt, rời bỏ quê hương chôn nhau cắt rốn để lên rừng lên núi, nhường đất cho thủy điện. Đó là một tráng ca của lòng yêu nước thời hòa bình xây dựng.


Nương chè trên quê mới. Ảnh: VGP/Minh Huệ
Ngày mai hy vọng

Ngồi trên ca nô đi trên lòng hồ, bên cạnh tôi là ông Cầm Bôi, một già làng trên đất Quỳnh Nhai. Trời xanh, nước biếc, tiếng ca nô chạy đều đều, mọi người đang say sưa ngắm những triền núi xanh, giờ đã thành đảo giữa lòng hồ. Chợt ông Bôi lay nhẹ vai tôi, nói khẽ : “Dưới kia là bản của mình đó”. Tôi nhìn theo tay ông chỉ, chỉ thấy nước, nước sâu thăm thẳm mấy chục mét. Nhưng với ông Bôi, không chỉ là nước, dưới biển nước đó là làng bản, là tuổi thơ, là tâm hồn, là tất cả những gì từng gắn bó với cuộc đời ông. Nó vẫn nguyên vẹn, vẫn ngày đêm tha thiết kêu gọi.
Tôi đã đến bản Quỳnh Mai, một bản định cư ghép từ tên của hai huyện. Đầu làng mới, vẫn là cây muỗm khổng lồ, một đặc sản của Sơn La. Trong làng, xe ủi đang làm nền đường để trải nhựa. Không có cảnh nhà ở thẳng tắp và giống hệt nhau nhưng cuộc sống ở bản đã sung túc, vui mắt. Nhà nào cũng có truyền hình, có xe máy. Đầu bản có nhà bưu điện xã, dịch vụ internet, bãi vui chơi công cộng. Mỗi ô trên nhà sàn, nơi dành riêng cho các cặp vợ chồng đều có chăn đệm mới sắm. Hỏi việc làm ăn, không phải đã suôn sẻ nhưng về tương lai, có thể hi vọng. Nơi định cư không có nhiều đất, ruộng nước cũng ít do thiếu nước. Nhưng sau khi nước dâng, huyện sẽ đầu tư tiền, cùng tiền bà con đóng góp để làm hồ thủy lợi, sức chứa chừng hơn triệu khối nước. Có hồ nước, lúa một vụ sẽ thành hai vụ, diện tích ruộng nước cũng tăng gấp đôi…
Giờ đây, đi vào nhà máy, bơi thuyền trên hồ nước, nhớ lại Quỳnh Mai, thấy tràn ngập niềm tin vào một Tây Bắc giàu có, hấp dẫn sau khi nhà máy đi vào hoạt động. Những quả núi lớn bị bạt từng mảng, những con đường đầy bụi sẽ xanh tươi cây cỏ. Lòng hồ trong xanh sẽ là một địa chỉ du lịch, một vựa cá lớn trong đó có giống cá tầm nhập nội anh Nam- giám đốc nhà máy đang nuôi thí nghiệm...
Sẽ là bát ngát đồi núi xanh tươi, nhờ có nước, có hơi nước điều hòa của lòng hồ làm sống lại những thực vật, động vật quý hiếm bao đời nay. Sẽ là những làng bản tái định cư giàu đẹp của bà con hàng chục dân tộc anh em bên hồ nước. Những viễn cảnh ấy mới bắt đầu, nhưng chắc chắn sẽ thành hiện thực ./.

Ghi chép của Vũ Duy Thông

HỘI CỰU CHIẾN BINH TẠI XN GỐM CHU-ĐẬU 22-12-2012


  

 





    


BẢO RẰNG…

Bảo rằng “TẬN THẾ”;Lại không!
Cái ngày “THẾ GIỚI ĐẠI ĐỒNG”…lại chưa !
Lại sáng nắng,lại chiều mưa
Lại ăn,lại uống,sớm trưa hẹn hò
Lại chiến tranh,lại giở trò
Lại cùng đối thoại vòng vo,lọc lừa
Lại ra chợ,lại lên chùa
Lại cầu sung sướng,được thua với đời…

Thế ra muôn sự tại Trời
Nhân gian muốn khóc,muốn cười được đâu
Liệu về mà bảo ban nhau
Đừng tuôn khí thải nhuộm bầu trời xanh !

Làng Hóp 0h1’ 22/12/2012 THANH DẠ