Thứ Hai, 30 tháng 6, 2014

DÒNG SÔNG TRƯỚC NHÀ




DÒNG SÔNG Ở TRƯỚC NHÀ TÔI
XANH TRONG NHƯ THỂ BẦU TRỜI TRONG XANH
CHỈ MONG MƯA THUẬN, GIÓ LÀNH
ĐỂ QUÊ MÃI ĐẸP BỨC TRANH THÁI BÌNH !

LÀNG HÓP 30/6/2014 THANH DẠ

Chủ Nhật, 22 tháng 6, 2014

QUẢ MÙA HÈ, KHÔNG GÌ NGON HƠN QUẢ VẢI !






THƠ NHẶT TRÊN PHÂY

Nguyễn Tiến Hợi 

 Em ơi ! Hà Nội - phố !
Ta còn em mùi hoàng lan
Còn em hoa sữa.

Tiếng giày gọi đường khuya
Thang gác cọt kẹt thời gian
Thân gỗ ...
Ta còn em màu xanh thật đêm
Ngôi sao lẻ
Xào xạc chùm cây gió
Chiếc lá lạc vào căn xép nhỏ
Lá thư quên địa chỉ.
Quay về ...

2.
Ta còn em một gốc cây,
Một cột đèn
Ai đó chờ ai ?
Tóc cắt ngang xõa xõa bờ vai…

Ta còn em một ngã ba vội vã,
Chiếc khăn quàng tím đỏ thoáng qua,
Khuôn mặt chưa quen
Bỗng xôn xao nỗi khổ…
Mỗi góc phố một trang tình sử…

3.
Ta còn em con đường vắng
Rì rào cơn mưa nhỏ.
Trên vòm cao
Đổ xuống chuông hồi.
Nhà thờ Cửa Bắc
Tan chiều lễ
Kinh cầu còn mãi ngân nga…

4.
Ta còn em đôi mắt buồn
Dõi cánh chim xa.
Tháng năm dừng lại
Một ngôi nhà.
Gã Trương Chi ôm ghita
Từng đêm
Hóa đá…

Ta còn em chuyến tàu đêm
Về muộn
Qua cầu
Một người nào lạc giữa sân ga...

5.
Em ơi ! Hà Nội – phố !
Ta còn em những hố sâu
Trước cửa
Cơn mưa đầy
Chiếc thuyền giấy lang thang
Không bến đỗ...

Ta còn em quả bóng lăn
Một mình trên sân cỏ.
Thằng bé thẫn thờ.
Tuổi thơ qua cuộc chơi,
Vội vã...

Ta còn em cánh cửa sắt
Lâu ngày không mở.
Nhà ai ?
Qua đó bâng khuâng,
Nhớ tuổi học trò...

6.
Ta còn em giàn thiên lý,
Năm xưa
Thơm mùi hò hẹn
Cuộc tình đầu ngọt lịm.
Những nụ hôn xanh ngắt trên cành...

Ta còn em chuỗi cười vừa dứt.
Nắng chiều vàng ngọn cỏ
Vườn hoang
Ngày cũ vui tàn theo mùa hạ...

Ta còn em tiếng ghita
Bập bùng tự sự
Đêm kinh kỳ một thuở
Xanh lơ...

7.
Ta còn em chiếc đồng hồ quả lắc
Già nua,
Đếm thời gian
Theo nhịp đong đưa
Trước ngõ phố
Sót cây hoa gạo.
Buổi chợ chiều họp giữa kinh đô...

8.
Ta còn em những ngọn đèn mờ.
Trên nóc phố,
Mùa trăng không tỏ.
Tiếng rao đêm
Lạc giọng
Thờ ơ...

Ta còn em bảy nốt cù cưa,
Lão Mozart hàng xóm
Từng đêm quên ngủ.
Cô gái mặc áo đỏ Venise
Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ
Những mảnh vỡ trên thềm
Beethoven và Sonate Ánh Trăng
Nốt nhạc thiên tài bay lả tả,
Một kiếp người,
Một phím đàn long…

9.
Ta còn em khuya phố,
Mênh mông,
Vùng sáng nhỏ.
Bà quán ê a chuyện nàng Kiều.
Rượu làng Vân lung linh men ngọt.
Mắt cô nàng lúng liếng,
Đong đưa,
Những chàng trai say suốt cả mùa…

10.
Ta còn em tiếng hàng ngày
Vang âm đường phố.
Tia hồ quang chớp xanh.
Toa xe điện cuối ngày,
Người soát vé
Áo bành tô cũ nát…

Lanh canh ! Lanh canh !
Tiếng chuông reo hay lời kêu khổ ?
Bó gạo, mớ rau
Mẹ về buổi chợ
Lanh canh ! Lanh canh !
Lá bánh, củ khoai.
Đàn con trên bến đợi
Cuối ngày…

11.
Em ơi ! Hà Nội – phố

Ta còn em con đê lộng gió.
Dòng sông chảy mang theo hình phố.
Cô gái dựa lưng bên gốc me già,
Ngọn đèn đường lặng thinh
Soi bờ đá…

Ta còn em một con tàu
Giã biệt bến sông.
Mảnh trăng vỡ
Tiễn người bỏ xứ.
Dãy phố buồn..
Nghìn năm mắt nhớ...

12.
Ta còn em ráng đỏ chiều hôm,
Dôi chim khuyên gọi nhau trong bụi cỏ.
Đôi guốc bỏ quên bên ghế đá.
Gã đầu trần đi ngược trời mưa...

Ta còn em con đường tên cũ
Cổ Ngư,
Cành phượng vĩ là đà.
Chiều phai nắng,
Bông hoa muộn in hình ngọn lửa...

Ta còn em chiếc lá rụng
Khởi đầu nguồn gió.
Lao xao con sóng biếc
Gió Tây Hồ.
Hoàng hôn xa đến tự bao giờ ?
Những bước chân tìm nhau vội vội.
Cuộc tình hờ bỗng chốc nghiêm trang...

13.
Ta còn em ngọn gió Nghi Tàm
Thoáng mùi sen nở muộn
Gió Nhật Tân
Gợi
Mùa hoa năm ấy
Cánh đào phai…

14.
Ta còn em cơn mưa rào
Đi nhanh qua phố.
Chiếc lá bàng đầu tiên nhuộm đỏ.
Cô gái băng qua đường
Chợt hồng đôi má.
Cơn mưa nào đi nhanh qua phố
Một chút xanh hơn,
Trời Hà Nội hôm qua...

Ta còn em cô hàng hoa
Gánh mùa thu qua cổng chợ.
Những chùm hoa tím
Ngát mùa thu...

15.
Em ơi ! Hà Nội – phố
Ta còn em một Hàng Đào,
Không bán đào.
Một Hàng Bạc,
Không còn thợ bạc.
Đường Trường Thi
Không chõng, không lều
Không ông nghè bái tổ vinh quy...
Ta còn em tiếng gọi trong đêm,
Người đi xa trở về.
Căn nhà không biển số.
Ngày đi mỏi mòn nỗi nhớ.
Ngày về phố cũ quên tên...

16.
Ta còn em chiếc xe hoa
Qua hàng liễu rũ,
Điệp vàng rực rỡ.
Cánh tay trần trên gác cao khép cửa.
Những gót son dập dìu đại lộ.
Bờ môi ai đậm đỏ bích đào...

Ta còn em tà áo nhung huyết dụ.
Đất nghìn năm còn mãi dáng kiêu sa,
Phường cũ lưu danh người đẹp lụa.
Ngõ phố nào in dấu hài hoa... ?

17.
Ta còn em đường lượn mái cong
Ngôi chùa cổ.
Năm tháng buồn xô lệch ngói âm dương.
Ai đó ngồi bên gốc đại,
Chợt quên ai kia bên đường đứng đợi.
Cuộc đời, có lẽ nào,
Là một thoáng
Bâng quơ...

Ta còn em những cuộc tình
Như một bài thơ.
Những nỗi đau gặm mòn phận số.
Nhật ký sang trang
Ghi thêm nỗi khổ...

18.
Ta còn em đống kim ngân
Đổ đầy Hàng Mã.
Ngựa, xe, võng, lọng,
Những hình nhân nuối tiếc vàng son.
Khi phố phường là miền loạn gió
Làm sao tìm được mớ tro than... ?

19.
Ta còn em nóc phố lô xô,
Màu ngói cũ
Ngôi nhà còn tiếng khóc oa oa.
Con đường đá lát bao niên kỷ ?
Qua sông nhớ mẹ tuổi già...

20.
Em ơi ! Hà Nội – phố
Ta còn em mảnh đại bác
Ghim trên thành cũ.
Một thời thịnh,
Một thời suy,
Hưng vong lẽ thường.
Người qua đó,
Hững hờ bài học sử..

Ta còn em dãy bia đá
Nhân hình hội tụ.
Rêu phong gìn giữ nét tài hoa.
Ly rượu đầy xin rót cúng cha.
Nghìn lạy cúi đầu thương đất tổ.
Bến nước nào đã neo thuyền ngự ?
Đám mây ào in bóng rồng bay ?...

21.
Ta còn em tháng chạp,
Những hàng cây óng ả sợi hồng
Tháng chạp
Trên giường trải chiếu hoa
Tháng chạp,
Mùi hương dài theo phố.
Một tháng chạp
Mẹ
Nửa đêm thức
Hóa vàng…

22.
Em ơi ! Hà Nội – phố
Ta còn em năm cửa ô –
Năm cửa gió
Cơn bão thường niên qua đó –
Ba mươi sáu phố,
Bao nhiêu mảnh vỡ ?

Ta còn em một màu xanh thời gian.
Một màu xám hư vô,
Chợt nhòe,
Chợt hiện.
Chợt lung linh ngọn nến,
Chợt mong manh một dáng,
Một hình,
Nhợt nhạt vàng son,
Đậm đầy cay đắng…

23.
Ta còn em những ngõ cụt bất ngờ,
Ô cửa ngẩn ngơ
Ngôi nhà không người ở
Khung trời của nỗi buồn
Vô cớ…

Người nghệ sĩ lang thang
Hoài,
Trên phố.
Bỗng thấy mình không nhớ nổi con đường.
Tha hương ngay trước cổng nhà mẹ cha…

24.
Ta còn em những giọt sương,
Nhòe nhòe bóng điện.
Mặt nước Hồ Gươm,
Một đêm trở lạnh.
Tháp Rùa ngả bóng lung linh.
Cánh nhạn chao nghiêng chiều cuối
Người ra đi mang theo buốt giá,
Áo choàng không ấm thân gầy,
Cầm bằng như cánh chim bay…

25.
Em ơi ! Hà Nội – phố !
Ta còn em cây bàng
Mồ côi mùa đông.
Ta còn em nóc phố
Mồ côi mùa đông.
Ta còn em mảnh trăng
Mồ côi mùa đông…

Thứ Tư, 18 tháng 6, 2014

THƠ TRÊN FACEBOOK

THƠ FACEBOOK LẠ MÀ QUEN
Nguyễn Thiện
Đọc thơ của ông cha mình, tôi thấy lớp người trước đau đớn, thương yêu chân thật lắm, sâu lắng lắm và tuyệt nhiên chẳng tù mù, cầu kỳ, rắm rối chút nào về ngôn ngữ. Thơ của ông cha mình thốt ra thật sự từ cõi lòng, không mượn vay ai cả, chính vì vậy đã trở nên thật gần với nhân dân, tồn tại cho đếnh ngày nay. Đó là Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan… Tất cả đều là những thi hào, thi bá sáng tỏa trên vòm trời thơ của đất nước, và hậu thế đọc trong từng con chữ là những đau đớn lòng , như cảm nhận của chính thân phận mình.
Từ xưa đến nay, các nhà thơ được nhân dân kính trọng, yêu mến khi nhà thơ có những tác phẩm mang nỗi buồn vui và khát vọng của mọi người. Dù không tự nhận là nhà thơ, nhưng người đọc rất công bằng . Đó là những kẻ nông, kẻ chợ, kẻ sĩ những con người khổ đau, chân lấm, tay bùn lam lũ mưu sinh cả đời , tầng lớp nầy đã định giá chính xác ai là thi nhân của họ. Chính là họ, không ai khác, đã thầm lặng bầu chọn ra anh hùng và nhà thơ cho dân tộc mình. Và, những gì mọi người tự nguyện bầu chọn ra, tự nguyện ghi tâm khắc cốt mới lâu bền, mới trở thành giá trị thi ca muôn thuở của đất nước.
Tài năng nào, tài năng đến mấy cũng phải gắn với chữ Tâm mới mong tỏa sáng lưu truyền. Cốt lõi chữ Tâm chính là lòng Thiện, diễn giải giản dị như thơ của bình dân là
Thương người như thể thương thân

.Lòng Thiện ấy, như Nguyễn Trãi từng viết
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,
Như Nguyễn Du từng khóc
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng,
Như Hồ Xuân Hương từng cảm
Có phải duyên nhau thì thắm lại
Đừng xanh như lá bạc như vôi…
Nói gì thì nói đặc trưng của ngôn ngữ thơ vẫn là biểu đạt tình cảm. Làm thơ là để thông qua hình tượng ngôn ngữ để nhà thơ gửi gắm cái tình, cái chí của mình trong đó. Điều này cũng xưa cổ nhưng bất tử như văn học của mỗi dân tộc
Không nhất thiết có thơ đăng báo, thơ xuất bản thành tập và phải là hội viên hội nhà văn thì mới là nhà thơ. Chính xác. Bởi lẽ thời các bậc tiền bối như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan đâu có thơ in báo, in tập như bây giờ, chủ yếu là được lưu truyền, đó mới là giá trị tồn tại đích thực nhất của thơ.
Lâu nay, chắc chắn có rất nhiều người âm thầm làm thơ, không cần thiết như tôi đã bày tỏ.Vài năm trở lại đây, nhất là khi trang mạng Facebook trở nên phổ biến trên toàn thế giới, có không ít người xem đó là tờ báo tự do nhất, nhiều người viết nhất, nhiều người đọc nhất thì thơ cũng đến với Facebookn nhiều nhất. Ở Việt Nam, bên cạnh tên tuổi các nhà thơ quen thuộc xuất hiện trên facebook như một điều hẳn nhiên vì ngày nay, sách báo đều không mặn mà lắm với thơ, báo viết ít in thơ, thơ xuất bản thì không ai mua, chủ yếu là để tặng. Facebook là nơi nhà thơ gửi thơ của mình đến với người đọc. Và như thế thơ trên Facebook đã tạo được một phong trào thơ Facebook , kích thích người yêu thơ sáng tạo. Thơ Facebook giống như cơ hội để những người yêu thơ chia sẻ, giãi bày cảm xúc.
Gọi khan ngàn tiếng lỡ làng
Sắt se buộc lấy võ vàng vào tim
Cuối trời vệt nắng im lìm
Rưng rưng thắp nhớ đốt tình chưa quên
Đốt tình
Thanh Thủy Nguyễn
Em biết không, khoảng lặng của lời thơ
Dấu chấm lửng cách chia dòng ngôn ngữ
Khoảng lặng ấy gợi lên bao suy nghĩ
Tùy mỗi người có cảm xúc khác nhau
Khoảng lặng
Sương Khói Mây
Cõi riêng riêng có một mình
Tâm tư ai hiểu một mình cõi riêng !
. …
Thoảng nhẹ thôi chút ngọt ngào
Có mùi yêu dấu có lao xao
Không đề
Vĩnh Thanh
Sau cay đắng chắc sẽ là vị ngọt
Yêu đời đi, yêu hết thảy mọi người
Sau cái chết chắc sẽ là sự sống
Thiên thu nào, ắt sẽ sinh sôi
Tư dỗ mình
Sói Đá
Đi dọc sông đời
Đếm từng xuân trôi
Đi dài những nổi
Nến tình đầy vơi
Chút suy tư
Nguyễn Thành Nhân
Đêm nay biển ơi
Sóng cồn dữ dội
Giờ nầy bão nổi
Gió cuốn tơi bời
Em như biển đời
Còn anh biển rộng
Trăng tàn gió lộng
Bão cũng đi xa
Biển đêm
Hồ Thanh Tịnh
Em xin một chút đam mê
Bên nhau đắm đuối …khát khao ái tình
Em xin gió hãy lặng thinh
Để tình hai đứa êm đềm ngày đêm
Em xin
Nguyệt Dương
Sự thăng hoa cảm xúc có thể đến bất chợt khi nhà thơ chưa ngồi trước bàn phím hay cầm bút.Tôi đã gặp lại Từ Kế Tường, Linh Phương, Hồ Chí Bửu, Hoàng Anh Tâm, Ngũ Yên… Những nhà thơ từng được xem là sứ giả của tình yêu và cuộc sống, giờ đây lại tiếp tục tiếp sức cho thơ facebook để bồi đắp, tiếp tế năng lượng cho tâm hồn, không chỉ cho một người mà cho nhiều người
Mười sáu tuổi em nuôi dài mái tóc
Để ngày xưa ở lại phía sau lưng
Ve cuối hạ kêu vàng trang vở học
Tình tôi trao trên cánh phương rưng rưng
Em mười sáu
Từ Kế Tường
Cầm tay
mà nhớ như điên
Đuôi con mắt biếc
thuyền quyên
rất tình
Sài Gòn bỗng chốc
lặng thinh
Khi nhìn hai đứa
chúng mình hôn nhau
Sài Gòn ngày anh hôn em
Linh Phương
Thêm mùa đông nữa buồn thiu
Vắng chi vắng ngắt xó chiều riêng tôi
Lơ ngơ ngó lũng ngó đồi
Nương trà xanh đấy mà người xanh đâu
Mùa phố dã quỳ
Nguyeễn Đăng Trình
Tôi đi tìm lại người dưng
Một thời lỡ dại ngập ngừng nói yêu
Tôi đi tìm lại buổi chiều
Buổi chiều đã để cho diều đứt dây
Đi tìm
Hồ Chí Bửu
Ta chở hồn ta về bến lạ
Vô minh một cõi, ngủ yên thôi
Dáng hoa, hài cỏ, đôi chân hạc
Cánh khói, sương mây nẻo cuối trời
Hư vô
Hoàng Anh Tâm
Mộng rớt bên sông tóc bạc màu
Về đi thôi ! Vội chiều bóng câu
Ngày trôi tàn cuộc đời hoang hoải
Quay quắt lòng ai cuộc bể dâu
Tứ tuyệt
Khôi Nguyên
Một ngày em bán rẻ ta
Ta thành vật lạ giữa nhà người dưng
Một ngày em đến rưng rưng
Mua gì vố giá xin đừng mua ta
Vô giá
Qua Xuân Nguyễn
Ta chờ em
đợi gió
gọi sương mù
mây giăng thấp cuối trời
Đất mũi
mây giăng thấp chưa đủ tầm tay với
nên suốt đời
ta cứ mãi yêu nhau
Yêu em Cà Mau
Thiên Hà
Nhìn vào gương xem thử
Khuôn mặt mình thế nào
Vẫn không gì khác lạ
Vẫn như ngày hôm qua
….
Măt mũi không có gì
Sao trái tim vẫn đau
Từng vết bầm sâu thẳm
Ê ẩm những đêm dài

Ta vẫn còn khao khát
Sống lại thời yêu thương
Tim ơi, đừng ngại nữa
Hãy hồi phục nhanh hơn
Soi Gương
Ngũ Yên
Post thơ trên facebook và được bình luận tự do nên trang nầy, sự thăng hoa cảm xúc của các nhà thơ đã khẳng định tên tuổi từ thập niên 70 thế kỷ 20 có thể đến bất chợt đến khi nhà thơ ngồi trước bàn phím hay cầm bút để hoài cảm, hoài niệm về một thời đã yêu, đã sống, giờ đây vẫn tạo được sự kết nối rộng rãi cho cộng đồng mạng facebook qua số lượt lick và comment Đó là một sự lan tỏa rộng và sâu trong lòng người đọc.
Thơ facebook cũng tạo suy nghĩ tác giả nghĩ nhiều hơn cảm khi làm thơ, ngẫm sâu, nghĩ kỹ thì cái sự nghĩ nhiều đó của không ít bài thơ trên mạng nầy không thể không mang rung động của người sáng tác, nói chi đến người đọc. Thơ vần, thơ không vần, thơ văn xuôi, truyền thống hay hiện đại cũng đều không vượt ra khỏi quy luật của cảm xúc, sự thăng hoa xuất thần của tâm hồn, là cơ hội để người sáng tác tìm gặp được những ý thơ, tứ thơ, câu thơ, bài thơ hay.
Đắm đuối đi…tiếc nuối gì ?
Rồi mai phút cuối…chia ly nghẹn ngào !
Tình còn lại những hư hao
Tháng năm ta tiễn hồn vào cõi mơ
Tiếc bên anh…tiếc hững hờ
Tiếc bàn tay nắm ngu ngơ…vụt tình !
Tiếc xuân qua…tiếc đời mình
Tiếc trăm năm để lạc hình bóng yêu.
Không đề
Thủy Nguyễn
Hà thành đêm lộng gió
Hoa sữa thơm hương đêm
Trăng Hà thành rụng xuống
Ngủ quên trên Hồ Gươm
Đêm Hà thành
Hoàng Thanh Tâm
Từ ngày Huế chẳng còn em
Mô răng chi rứa người đem giấu rồi
Bờ ao bụi chuối tôi ơi
Trổ buồng ly biệt cạn lời nhớ nhung
Từ ngày
Tiếng thời gian
Người ta đang nói nhiều tới sự cách tân trong thơ. Cách tân! Muốn thơ có mặt trong cuộc sống đương đại và cả mai sau nữa, không còn con đường nào khác phải cách tân. Nhưng sự cách tân không phải là đổi trắng thay đen, đánh tráo khái niệm, tôn vinh thác loạn, đưa hủ bại lên ngôi. Sự cách tân không phải là đốt quá khứ trong nỗi ngông cuồng được trở thành sao chói lọi trên bầu trời thi ca. Cách tân xa lạ với tùy tiện, cẩu thả, rối mù, hủ nút, đánh đố người đọc. Cử nhân, thạc sĩ cho đến tiến sĩ văn học cũng chẳng cảm nhận nổi, không hiểu được tác giả nói gì trong bài thơ của họ. Chớ lầm tưởng rằng thơ hiện đại, thơ mới phải là thơ khó hiểu; thơ dễ hiểu thuộc về kiểu thơ cũ, thơ truyền thống.
Poet Hansy là một trong số các nhà thơ thủy chung với thơ vần điệu truyền thống
Mời chi cõi ái ngút hoài trôi
Cuộc thế buồn thương khỏa lấp rồi
Đời mãi xót chau tàn cánh mộng
Dạ đành cam chịu chin vành môi
Dời xa huyền ảo thay hờ lõm
Xếp lại huyền hư bỏ ngáng lồi
Chơi giỡn sự thành đau đón thật
Vơi lòng thắt nẻo réo chuông hồi
Huyền ca
Poet Hansy
Có gì là cũ đâu, lại còn độc đáo ở chổ bài thơ nầy của Poet Hansy là có thể đọc thuận hoặc đọc nghịch đếu được.
Thực ra khó hiểu hay dễ hiểu không phải là tiêu chí của thơ, mà thơ hay chính là sự lay động người đọc ở cảm xúc mạnh, ở tính đa nghĩa của hình tượng, ở sự hợp lý đắc địa của ngôn từ. Giá trị của thơ nằm ở việc phát hiện vấn đề, tìm và dựng tứ độc đáo, ở tính sáng tạo trong thiết lập cấu trúc bài, chọn lựa hình tượng khác lạ, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ nhuần nhuyễn đổi mới thơ và đề tài thơ.
Gặp trong thơ facebook với thơ Hoàng Thanh Tâm, ngoài đề tài muôm thủa là tình yêu, Hoàng Thanh Tâm đang làm mới từ đời thường của nội trợ thành thơ.
Bún riêu, bún ốc, bún thang
Bún cá Lã vọng họ hàng bún ta
Đi đâu cũng nhớ quê nhà
Sợi bún trắng nõn đậm đà hương quê
Bún ta
Hoàng Thanh Tâm
Thơ cần sự sáng tạo lại ngoài tác giả, để được truyền cảm, nhân lên trong những cảm thông, bênh vực, nâng đỡ không ngừng. Thơ gắn với đời, trong những lấm láp ruộng đồng, trong mặn mòi biển cả, trong khuất lấp nẻo rừng, trong xô bồ phố thị với từng hớn hở hay đớn đau của cuộc sống, bắt đầu từ một đến mười, mười đến một trăm rồi nghìn, vạn, triệu. Loại bỏ những chen lấn của thơ con cóc, thơ, thơ bí hiểm trong thơ faecbook, bởi nó là mặt chìm, ẩn trong mặt nổi của trong phong trào thơ facebook hiện nay, tôi muốn nói. Thơ facebook đã đang và sẽ tiếp tục đến với cộng động một cách mạnh mẽ nhất.
Bài viết nầy chưa đề cặp hết các tác giả có thơ hay trên facebook, mong được thông cảm. Hẹn gặp trong bài viết sau sẽ đầy đủ hơn.