Thứ Sáu, 1 tháng 8, 2014

BÀI TRÊN TRANG BẠN

TỪ BÀI THƠ : “ TÂM SỰ VỚI CHỒNG” NGHĨ VỀ THÂN PHẬN NGƯỜI PHỤ NỮ NÔNG THÔN VIỆT NAM


                         

( Ảnh tác giả bài thơ: TÂM SỰ VỚI CHỒNG, chụp khi đi lễ đền Hùng hồi đầu năm 2014 đấy ạ)
Gia đình tôi thân thiết với A. N đã nhiều năm nay. A. N và Anh Đào  lại là bạn thân của nhau. Tôi quen Anh Đào là nhờ mối quan hệ bắc cầu ấy. Tuy vậy, tôi cũng mới biết Anh Đào mấy tháng gần đây và chỉ gặp nàng có hai lần thôi.

Lần đầu thấy A. N đèo nàng vào nhà chơi, tôi đã nháy mắt với chàng và hỏi: “Nặc Danh đấy đúng không?”( Chả là có một nàng Nặc Danh nào đó mến tài thơ của A. N và yêu quý luôn cả tác giả thơ nữa. Họ vào mạng chia sẻ, cho số điện thoại rồi hò hẹn với nhau ra chiều ăn ý lắm. Cứ như họ sắp sửa có nhau đến nơi rồi vậy). A N vội vã thanh minh :” Không phải đâu bà ơi. Đây là cô bạn trong tổ thơ với tôi bên quê đấy”. Ngồi chơi uống nước và trò chuyện cùng nhau, tôi mới được biết, cuộc đời Anh Đào cũng lắm nỗi niềm. Là gái quê chính hiệu nhưng nàng có nước da trắng trẻo, cái miệng duyên, thân hình cân đối, lẳn chắc nên trông trẻ hơn rất nhiều so với cái tuổi 57 của nàng. Thực tình nếu không hỏi cụ thể thì tôi chỉ đoán nàng gân 50 tuổi là cùng. Con gái tôi còn bảo: “ Mẹ ơi con chỉ nghĩ là cô ấy khoảng 45 tuổi thôi cơ”. Liệu có phải do có tâm hồn thơ văn lại có máu ca hát nữa nên nàng trẻ lâu chăng?


       Nàng lập gia đình khá sớm và sinh hạ được bốn người con ( ba trai một gái). Nhưng không may, một cháu trai mới mấy tuổi đầu đã bị bệnh rồi bỏ mất; một cháu trai nữa lại bị tai nạn và ra đi vĩnh viễn, khi mới 22 tuổi đầu. Nỗi đau mất con còn đang đè nặng trong lòng nàng thì cách đây dăm tháng chồng nàng lại bị bệnh hiểm nghèo bỏ lại vợ con mà đi. Thật là chua xót. Nàng buồn rầu đến héo cả ruột gan. Các bạn thơ muốn rủ nàng đi giao lưu thơ phú cho vơi bớt nỗi niềm.( Thì khi chồng còn khỏe mạnh, nàng vẫn tham gia tổ thơ, tổ văn nghệ của xóm mà lại) Tuy đã qua trăm ngày chồng rồi, nàng mới dè dặt tham gia. Nhưng nàng vẫn phải giữ ý giữ tứ lắm, chẳng dám đọc thơ hay hò hát đơn ca bao giờ, chỉ lặng lẽ ngồi nghe và đứng vào hát tập thể cho đẹp đội hình ( như lời các bạn vẫn nói vậy). Những tưởng như thế là yên thân. Nào ngờ, xứ quê vốn hay xét nét, rồi lời ra tiếng vào ì xèo cả. Con cái ở xa chẳng hiểu mô tê gì, về làng nghe người ta bàn tán nên lại trách cứ mẹ. Nàng giải thích chúng cũng chẳng hiểu cho. Bởi thế, nàng mới làm bài thơ “ Tâm sự với chồng” Nguyên văn bài thơ như sau: 
 TÂM SỰ VỚI CHỒNG

                    Nguyễn Thị Anh Đào


Mấy gian nhà trống anh ơi

Vắng anh tạnh cả tiếng cười của anh

Các con giờ đã trưởng thành

Trai lên Hà Nội tập tành mưu sinh

Hồng Nhung –Con của chúng mình

Làm nghề chụp ảnh ghi hình khắp nơi

Hết xuống biển lại lên đồi

Hết ra bãi Một lại ngồi bãi Hai

Suốt ngày xuôi ngược rạc rài

Chăm lo cuộc sống ngày mai quê người

Cháu con xa tít mù khơi

Mình em đơn độc cuộc đời chông chênh

Đêm nằm trống trải không anh

Chiếu chăn nhiều lúc mốc xanh thiếu người

Nhiều khi em gắng hát cười

Lại nghe xóm láng nói lời vào ra

Lòng em trăm nỗi xót xa

Anh ơi!Anh có biết là em đau!

Tuổi cao em đã già đâu

Trái tim thổn thức nói câu... thập thình!

Gái trai con của chúng mình

Chúng không thông cảm sự tình của em

Còn luôn phiền trách em thêm

Để ngày em xót để đêm em buồn

Khôn thiêng anh hãy về luôn

Để em giải hết nỗi buồn trong…mơ !


 Bài thơ không hề hoa mỹ, cầu kì và thậm chí là gần như không chút trau chuốt ngôn từ; Không có những “ nhãn tự” hay những câu thơ tài hoa đọc tới làm ta giật mình hoặc trầm trồ thán phục. Nó cứ mộc mạc, giản dị, chân thật như tấm lòng người phụ nữ nông thôn, quen chân lấm tay bùn, quanh năm “ bán mặt cho đất, bán lưng cho giời” đang giãi bày cảnh ngộ của mình, đang trải lòng mình với người chồng quá cố. Ấy thế mà đọc lên sống mũi ta bỗng cay cay và mắt rưng rưng lệ.

       Nếu nửa đầu bài thơ chỉ là những là những lời kể lại cảnh nhà trống vắng vì thiếu anh; vì các con đã ăn tây ở riêng và lập nghiệp nơi xa cả rồi thì đến phần sau, bài thơ mới bộc lộ rõ hơn tâm trạng của nàng trong cảnh ngộ đó:

Cháu con xa tít mù khơi

Mình em đơn độc cuộc đời chông chênh

Đêm nằm trống trải không anh

Chiếu chăn nhiều lúc mốc xanh thiếu người

Chẳng bóng bẩy, ẩn dụ hay so sánh chi cả, nàng cứ nói hết, nói một cách cụ thể và trần trụi cái cảm giác  “đơn độc”, “chông chênh”, “trống trải” của mình khi không còn chàng nữa. Đâu chỉ có hồn nàng trống vắng đơn côi mà mọi vật dụng thiếu vắng hơi chàng cũng trở nên hoang lạnh vô cùng: “ Chiếu chăn nhiều lúc mốc xanh thiếu người”. Nhưng nàng đã vượt lên trên cảnh ngộ đó bằng cách của riêng nàng:

“Nhiều khi em gắng hát cười

Lại nghe xóm láng nói lời vào ra”

Từ “gắng” trong câu thơ trên rất thật mà vẫn rất hay. Bởi lẽ nó đã diễn tả đúng tâm tư tình cảm của nàng khi đó. Nàng có hát cười vì thích thú, vì vui vẻ gì đâu mà chỉ vì gắng gượng mà hát cười để quên đi nỗi đau riêng trong cảnh ngộ cô đơn buồn tủi của mình thôi.

       Thế mà, làng xóm có ai hiểu cho nàng nông nỗi ấy. Họ xì xèo bàn tán. Chắc họ cho rằng nàng không xót thương chồng, không buồn đau khi mồ chồng chưa xanh cỏ mà lại còn thơ phú hát hò. Họ đâu có hiểu cái cách bộc lộ buồn vui của mỗi người mỗi khác. Buồn mà khóc được có khi còn nhẹ lòng hơn là hát cười ấy chứ. Đã từng có câu: “ Sao em không khóc cho lòng nhẹ nhàng hơn” đấy thôi. Không lẽ lúc nào nàng cũng phải khoác bộ mặt như đưa đám mới là đau là buồn? Ở chốn thị thành chẳng mấy ai để ý đến ai thì không nói làm gì, còn ở xứ quê, những lời dè bỉu, nói ra nói vào ấy quả là khó chịu lắm. Nhưng nếu chỉ có thế nàng còn chịu đựng được.Đằng này lại còn chính những đứa con nàng dứt ruột đẻ ra, dày công nuôi dưỡng,lo dựng vợ gả chồng rồi lo cho chúng có cơ ngơi riêng yên ấm thế mà chúng chẳng thấu hiểu lòng nàng, chia sẻ cùng nàng. Ngược lại, thấy xóm láng lời ra tiếng vào, chúng còn phiền trách nàng thêm thì nàng chịu sao cho thấu. Nàng chỉ biết ôm nỗi niềm ấy để tâm sự với người chồng quá cố thôi chứ biết bày tỏ cùng ai được bây giờ. Ai có thể san sẻ với nàng đây?

Gái trai con của chúng mình

Chúng không thông cảm sự tình của em

Còn luôn phiền trách em thêm

Để ngày em xót để đêm em buồn

        Nếu tất cả những phiền trách kia chỉ vì nàng “ gắng hát cười” thì cùng lắm cũng chỉ làm nàng buồn thôi. Nhưng hình như hàng xóm và cả các con nàng nữa còn bàn tán nàng vì những chuyện này kia lắm thứ nữa làm cho nàng không chỉ buồn mà còn đau. Cho nên nàng mới phải thốt lên rằng:

Anh ơi anh có biết là em đau

Tuổi cao em đã già đâu

Trái tim thổn thức nói câu…thập thình

Theo tôi, cả bài thơ có lẽ câu “ Trái tim thổn thức nói câu… thập thình” là một câu thơ hay nhất, thơ nhất. Không phải bởi sự hoa mỹ cầu kì mà chính bởi sự tận cùng của lòng chân thật. Nàng không giấu giếm chồng chuyện nàng còn trẻ trung, còn xao xuyến khát khao. Và nàng đã nói lên điều đó bằng cả một nỗi niềm ngập ngừng, tinh tế mà rất thành thật. Tôi rất thú vị khi nhìn thấy cái dấu ba chấm giữa dòng thơ và càng thú vị hơn khi đọc cả dòng thơ: “ Trái tim thổn thức nói câu… thập thình”. Câu thơ không chỉ diễn tả sự ngập ngừng, e thẹn của nàng khi phải nói ra cái điều khó nói với chồng mà còn diễn tả cả cái nhịp đập run rẩy mà mãnh liệt của một tâm hồn góa phụ vẫn còn nhiều tha thiết yêu thương và luôn khao khát được yêu.

Khôn thiêng anh hãy về luôn

Để em giải hết nỗi buồn trong…mơ !

Cứ nghĩ đến hình ảnh một góa phụ chịu bao ấm ức chỉ mong đêm đến trong mơ gặp được chồng mà trải lòng ta mới thấy nàng thật cô đơn và đáng thương làm sao! Tuy nhiên, trong buồn đau nhất, cô đơn nhất và cả khao khát nhất nàng vẫn tin tưởng chồng sẽ hiểu và chia sẻ được với mình, thông cảm cho mình. Âu đó cũng là niềm an ủi đối với nàng chăng? 

       Đọc bài thơ và ngẫm ngợi lan man tôi thấy sao mà “người phụ nữ xứ ta lại khổ sở nhiều bề thế, nhất là người phụ nữ nông thôn. Họ khổ từ lúc mới sinh ra. Bởi một thói quen thâm căn cố đế của cái tập tục trọng nam khinh nữ. Tiếng là sau bao nhiêu năm phấn đấu vì bình đẳng giới, nhưng ở nông thôn, đa số vẫn cho rằng: “ Nhất nam viết hữu thập nữ viết vô”. Vì thế từ lúc mới chào đời, con gái đã không được sự đón nhận trong vui mừng nồng hậu như con trai. Lớn hơn một chút thì con gái đã phải đảm nhận những việc vặt trong nhà, trong khi con trai thì tha hồ chơi bời lêu lổng. Đến tuổi trưởng thành, bước chân về nhà chồng, nàng dâu mới bao giờ cũng phải hứng chịu những xét nét của gia đình nhà chồng. Khi vợ chồng có rơi vào cảnh “ cơm không lành, canh không ngọt” thì ai ai cũng chỉ biết trách cứ người vợ. Nhẹ nhất cũng là khuyên nhủ người vợ nên nhẫn nhịn “ một điều nhịn chín điều lành”; đàn bà thì phải biết nhịn đi chứ; hay “chồng giận thì vợ bớt lời/ cơm sôi nhỏ lửa không đời nào khê”. Chẳng ai chịu phân tích xem cái giận của chồng có đúng không. Và cũng chẳng ai nghĩ rằng phụ nữ cũng là con người, sức chịu đựng, nhẫn nhịn cũng có giới hạn thôi chứ. Chịu mãi làm sao được? Bản tính chung của phụ nữ là yêu gia đình, chồng con, thích yên ấm. Cùng bất đắc dĩ họ mới phải quyết định từ bỏ. Ấy vậy mà khi họ từ bỏ thì nhiều người ở quê vẫn nhìn nhận họ bằng con mắt:

“Con này chẳng phải thiện nhân

Không phường trốn chúa cũng quân lộn chồng”

Ngược lại, nếu người phụ nữ bị chồng bỏ (dù có  khi chỉ do chồng say nắng một ả nào đó) thì vẫn bị cho rằng:

 Nứa trôi sông không giập thì gãy

Gái chồng rẫy không chứng nọ cũng tật kia

Còn không may, mình lìa đời sớm thì chồng ngang nhiên tìm vợ mới khi mồ vợ chưa xanh cỏ. Nhưng nếu chồng ra đi trước thì vợ phải chịu đựng những lời gièm pha bai bẻ của mọi người như nàng Anh Đào trong bài thơ trên đó thôi.

Ở phố xá hay ở cơ quan, chồng giặt giũ, nấu cơm thay vợ khi vợ bận hoặc cùng làm với vợ là chuyện bình thường. Nhưng ở quê thì không bình thường chút nào. Người ta sẽ bỉ bai anh chồng là hèn, là đụt, là sợ vợ…Chính vì cái tập tục ấy mà nhiều chàng chẳng mó vào những "công việc của đàn bà". Mặc dù các công việc đồng áng khác thì người đàn bà vẫn phải làm như đàn ông vậy. Thậm chí, nhiều ông chồng còn cho rằng quát nạt được vợ thậm chí đánh vợ là oai, là iêng hùng nữa cơ đấy.

Chao ôi nếu kể về nỗi khổ của người phụ nữ nông thôn Việt Nam thì còn nhiều lắm, kể sao cho thấu. Biết bao giờ họ mới thực sự được bình đẳng đây?
             30-7-2014
             Song Thu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét