Thứ Tư, 12 tháng 2, 2014

LỜI BÌNH CỦA NHÀ THƠ THANH-MAI VỀ BÀI THƠ "CẢM XÚC NHA TRANG" CỦA THANH DẠ

Một bài thơ được treo ở “Quán thơ Hải Dương”
trong Ngày thơ Văn Miếu-Quốc Tử Giám Hà Nội
(ngày15 tháng Giêng Giáp Ngọ):

CẢM XÚC NHA TRANG
THANH DẠ


Ta đắm mình trong trời biển Nha Trang
Trong phấp phỏng phía Nhà Giàn *sóng dữ
Trong nỗi nhớ Chế Lan Viên một thuở :
“Có hay đâu hang Pắc-bó gió lùa” !

Ta ôm nhau giỡn sóng , nô đùa...
Như có lỗi với người đang cống hiến
Đang đối mặt với cuồng phong,nguy biến
Giữ vuông tròn trời,biển để ta yêu…

6-2011 T. D


*Nhà Giàn DK1 nơi gác biển của Hải Quân VN tại Trường Sa
**Chế Lan Viên ngày trước đến Nha trang đã từng viết: “Tôi đến Nha Trang ngắm trời,biển đẹp .Có hay đâu Hang Pắc-bó gió lùa…”(lúc ấy Bác Hồ đang ở Păc-bó dịch Lịch sử Đảng CS Liên –Xô: Sáng ra bờ suối,tối vào hang.Cháo bẹ,rau măng vẫn sẵn sàng . Bàn đá chông chênh dịch sử đảng . Cuộc đời cách mạng thật là sang )

*
* *
Bài thơ dòng tám chữ vẻn vẹn chỉ gồm hai khổ.
Khổ trên thể hiện hai mạch cảm xúc trên khung thời gian hiện tại và quá khứ. Hiện tại là nỗi “phấp phỏng” lo âu cho người lính Hải quân Trường Sa gác Nhà Giàn DK1 vì sóng dữ của biển và cả của người ngày đêm đe dọa. Quá khứ là từ câu thơ của Chế Lan Viên “Có hay đâu hang Pắc-bó gió lùa” để nhớ tới Bác Hồ âu lo cho vận mệnh dân tộc trong cảnh sống thiếu thốn: “Giường lãnh tụ kê hai hàng đá ghép/Mảnh áo chàm Bác mặc quá đơn sơ”. Cả hai mạch cảm xúc đều bộc lộ nỗi lòng bất an của nhà thơ về người lính biển, về vị lãnh tụ hy sinh vì đất nước, vì mọi người, trong đó có nhà thơ.
Chỉ như thế đã đủ để thấy được nỗi lòng nhà thơ đối với những người hy sinh vì đất nước rồi!
Bài thơ tiếp nối khổ thứ hai nâng nỗi lòng nhà thơ lên cấp độ cao hơn: “Như có lỗi với người đang cống hiến” khi nhà thơ vui đùa tắm biển: Một lời tự kiểm đối với những người đã hy sinh và cũng là sự bộc lộ chân thành của con người văn hóa – đó là nhân cách sống biết người và biết mình trong mối quan hệ kỷ nhân và tha nhân.
Với tính chất “mở” của thi ca, bài thơ gợi người đọc “đi xa” hơn: Hãy nhận diện kẻ thờ ơ, vô cảm đối với cuộc đời; hơn nữa, hãy nhìn rõ mặt kẻ vong ơn, bạc nghĩa đã và đang giơ súng lục bắn vào quá khứ…
Cảm ơn Thanh Dạ về bài thơ với tầm ý tưởng và với nghệ thuật thể hiện đáng kính nể!

1 nhận xét: