Thứ Tư, 12 tháng 2, 2014

BÀI TRÊN FB CỦA NHÀ THƠ ANH-NGỌC

THƠ HAY THẾ KỶ HAI MƯƠI –
AI NGHIỆN “NHẢY ĐẦM” THÌ CHỚ BỎ QUA BÀI NÀY!

Chào buổi sáng quý bạn!
Nghe tên bài thơ mà tôi chọn giới thiệu dưới đây chắc có bác “sâu rượu” nào đó sẽ kêu lên: - Quá đã! Quá đã!!!
Ngày Tết la đà cả ngày, bét nhè cả buổi… mà nghe đến từ “say” thì sẽ OK ngay, mình tin thế!
Thì muốn hiểu sao cũng được.
Chỉ xin đảm bảo với các bạn, với tôi, bài thơ mà tôi chọn xếp vào mục này và đem giới thiệu với các bạn hôm nay sẽ không phụ công các bạn khi giành ra mấy mươi phút để sống với nó đâu!
Bởi vì đó là một thi phẩm hiếm hoi nói về một cách cứu chữa cũng rất hiếm hoi một con bệnh vô cùng phổ biến của loài người: Bệnh Buồn! – Cách đó là: Đi “nhảy đầm” – dancing!!!
Xin mời quý bạn!

A.N.

VŨ HOÀNG CHƯƠNG

SAY ĐI EM

Khúc nhạc hồng êm ái
Điệu kèn biếc quay cuồng
Một trời phấn hương
Đôi người gió sương
Đầu xanh lận đận, cùng xót thương, càng nhớ thương,
Hoa xưa tươi, trăng xưa ngọt, gối xưa kề, tình nay sao héo!
Hồn ngã lâu rồi nhưng chân còn dẻo
Lòng trót nghiêng mà bước vẫn du dương
Lòng nghiêng tràn hết yêu đương
Bước chân còn nhịp Nghê thường lẳng lơ
Ánh đèn tha thướt
Lưng mềm, não nuột dáng tơ
Hàng chân lả lướt
Đê mê, hồn gửi cánh tay hờ
Âm ba gờn gợn nhỏ,
Ánh sáng phai phai dần. . .
Bốn tường gương điên đảo bóng giai nhân
Lui đôi vai, tiến đôi chân
Riết đôi tay, ngả đôi thân
Sàn gỗ trơn chập chờn như biển gió
Không biết nữa màu xanh hay sắc đỏ
Hãy thêm say, còn đó rượu chờ ta !
Cổ chưa khô, đầu chưa nặng, mắt chưa hoa
Tay mềm mại, bước còn chưa chếnh choáng
Chưa cuối xứ Mê Ly, chưa cùng trời Phóng Đãng
Còn chưa say, hồn khát vẫn thèm men
Say đi em ! Say đi em!
Say cho lơi lả ánh đèn
Cho cung bực ngả nghiêng, điên rồ xác thịt
Rượu, rượu nữa và quên, quên hết!
Ta quá say rồi !
Sắc ngả màu trôi...
Gian phòng không đứng vững
Có ai ghì hư ảnh sát kề môi ?
Chân rã rời
Quay cuồng chi được nữa
Gối mỏi gần rơi !
Trong men cháy, giác quan vừa bén lửa
Say không còn biết chi đời
Nhưng em ơi
Đất trời nghiêng ngửa
Mà trước mắt thành Sầu chưa sụp đổ
Đất trời nghiêng ngửa
Thành Sầu không sụp đổ, em ơi !

LỜI BÌNH CỦA ANH NGỌC:

Thơ Vũ Hoàng Chương và nhóm bạn gần gũi với ông xuất hiện vào giai đoạn gần cuối của thời kỳ Thơ Mới. Đặc điểm của giai đoạn này là sự phân cực sâu sắc trong tâm thế xã hội và điều này không thể không dội vào trong thơ. Những biến động to lớn trên thế giới và trong nước đang đẩy xã hội Việt Nam vào thế "cùng tắc biến". Bộ phận đông đảo nhất của dân tộc đã tập hợp lại trong một lực lượng cách mạng để tiến hành một cuộc thay đổi long trời lở đất mà lúc này khí thế đã mạnh lắm. Ngược lại, cũng không thiếu những con người - nhất là những trí thức mà ta quen gọi là "tiểu tư sản" - vì những hoàn cảnh chủ quan và khách quan nào đó vẫn bị cuốn theo nhịp sống cũ, một nhịp sống đã lăn đến đỉnh của sự cực đoan cá nhân, sự bế tắc đến tuyệt vọng trong ý thức về thân phận người. Những con người này thực sự có lỗi gì không? Tôi cũng không biết nữa. Chỉ biết rằng, trong hoàn cảnh ấy, nỗi cô đơn, chán chường của họ càng trở nên không chịu nổi - "Lũ chúng ta đầu thai nhầm thế kỷ! Bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh". Chính Vũ Hoàng Chương đã thốt lên như thế. Và bao giờ thì một nỗi đau thế sự cũng thường lẩn vào sau một nỗi buồn riêng tư và ngược lại, ít khi một nỗi thất vọng riêng tư lại không có dây mơ rễ má với nỗi đau thế sự - nhân sinh quan và tính cách thường vẫn có chung một địa chỉ, và phải chăng hai sức mạnh này là nguyên nhân chính làm nên số phận một con người. Vì vậy, khi tiếp cận với một bài thơ như Say đi em, phải đến lúc đọc những câu cuối cùng tôi mới thực thấm thía một điều gì đó:
Nhưng em ơi
Đất trời nghiêng ngửa
Mà trước mắt thành Sầu chưa sụp đổ
Đất trời nghiêng ngửa
Thành Sầu không sụp đổ, em ơi !
Nỗi đau đớn hoàn toàn thành thực và có thực, nó còn rất thiêng liêng nữa, đến nỗi trong văn bản tác giả còn viết hoa chữ "thành Sầu”. Trong một thời gian dài - có thể là dài... đến... dài dài - với không khí vốn chỉ trọng thị chất hào hùng và lạc quan của cả một cộng đồng đang hăng hái đi "làm nên lịch sử" thì một nỗi "sầu” mang đầy chất cá nhân như thế này là rất lạc lõng, buộc phải “lùi sau lưng ánh sáng" (chữ của Chế Lan Viên). Nhưng giờ đây, sau gần 40 năm đất nước trở lại cuộc sống bình thường, khi con người đã có quyền sống với những buồn vui muôn thuở, lòng tôi chợt se lại khi đọc lại những dòng thơ không biết đến giả dối của người xưa:
Đầu xanh lận đận, cùng xót thương, càng nhớ thương,
Hoa xưa tươi, trăng xưa ngọt, gối xưa kề, tình nay sao héo!
Xưa nay những người thành thực, luôn cởi mở hết lòng mình thường bị thói đời cười giễu, khinh khi. Thực khốn khổ cho nhân tình thế thái. Giá người thơ khôn ngoan hơn một chút, thủ đoạn hơn một chút, đừng có đem phơi ra trước bàn dân thiên hạ những bí mật của đời mình, cái bí mật mà những kẻ tự cho là đạo đức, con nhà gia giáo vẫn thường giấu kín. Chẳng hạn, ở đây là cái việc nhảy đầm, việc tìm quên trong những thứ giải trí mà người đời cho là không lành mạnh. Mà phơi ra với tất cả vẻ say mê, đắm đuối vốn là bản chất của mọi thi sĩ trên đời:
Âm ba gờn gợn nhỏ
Ánh sáng phai phai dần. . .
Bốn tường gương điên đảo bóng giai nhân
Lui đôi vai, tiên đôi chân
Riết đôi tay, ngả đôi thân,
Sàn gỗ trơn chập chờn như biển gió
Những chi tiết và hình ảnh, những tiết tấu và giai điệu, tất cả đều chính xác và sống động tựa như một đoạn phim nghệ thuật được quay bởi một nghệ sĩ tài ba. Hình như tự cổ chí kim đã có không ít những thơ viết về tiếng đàn, giọng hát và còn viết hay nữa, nhưng thơ về cái sự nhảy múa thì rất hiếm. Bài thơ này gợi tôi nhớ đến thi phẩm của nhà thơ A. Vôdơnhêxenxki viết về nghệ sĩ ba lê lừng danh của Nga - Plixexcaia. Nhà thơ Nga tài năng này vốn rất giàu sức khám phá về tư tưởng và là bậc thầy về các thủ pháp tu từ, nhưng có vẻ như nhà thi sĩ Á Đông lại giỏi sử dụng nhạc điệu hơn, thứ nhạc điệu tự nó đã làm nên một giá trị độc lập, một thứ thông điệp đến thẳng với trái tim con người không cần đến ngữ nghĩa. Rõ ràng, những câu thơ dài ngắn, đẩy đưa, buông bắt, nhấn nhá của Say đi em là cả một nửa giá trị truyền cảm của bài thơ. Bởi thực ra thì bài thơ rốt cuộc có định rao giảng một ý tứ gì đâu. Nó chỉ truyền cho ta một không khí, gợi cho ta một cảm giác và đánh thức ở ta một nỗi niềm - nỗi niềm ấy có thể có người còn kỳ thị, còn không muốn nhận là có nó, nhưng nhất định nó không hề xa lạ với con người, nếu không nói, càng ngày nó càng gần gũi với con người.
Và như vậy, bài thơ có quyền tồn tại.
A.N.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét