Thứ Năm, 16 tháng 1, 2014

THƠ HAY THẾ KỶ HAI MƯƠI

THƠ HAY THẾ KỶ HAI MƯƠI

Thưa quý bạn!
Trong các nhà Thơ Mới, tôi biết rất nhiều bạn trong chúng ta đều yêu thơ Nguyễn Bính. Tôi cũng vậy. Tôi có chọn bình vài bài của ông, chẳng hạn bài sau đây, một trong những bài thơ tiêu biểu của nhà thơ giàu chất thôn quê bậc nhất Việt Nam. Nhưng tôi đã có ý thức để giành nó cho đến tận… những ngày này mới tung lên FB, vì bây giờ là lúc đất trời đang hòa nhịp cùng hồn vía của bài thơ, với những giọt “mưa xuân phơi phới bay”, với “hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy”…
Vâng, xin mời quý bạn đến với bài thơ tuyệt vời “Mưa Xuân” của cố thi sĩ đất Thành Nam - Nguyễn Bính, cùng với lời bình của tôi!
Xin mời!

A.N.

NGUYỄN BÍNH

MƯA XUÂN

Em là con gái trong khung cửi
Dệt lụa quanh năm với mẹ già
Lòng trẻ còn như cây lụa trắng
Mẹ già chưa bán chợ làng xa.

Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy
Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ
Mẹ bảo: "Thôn Đoài hát tối nay."

Lòng thấy giăng tơ một mối tình
Em ngừng thoi lại giữa tay xinh
Hình như hai má em bừng đỏ
Có lẽ là em nghĩ đến anh.

Bốn bên hàng xóm đã lên đèn
Em ngửa bàn tay trước mái hiên
Mưa chấm bàn tay từng chấm lạnh
Thế nào anh ấy chả sang xem !

Em xin phép mẹ, vội vàng đi
Mẹ bảo xem về kể mẹ nghe
Mưa bụi nên em không ướt áo
Thôn Đoài cách có một thôi đê.

Thôn Đoài vào đám hát thâu đêm
Em mải tìm anh chả thiết xem.
Chắc hẳn đêm nay dường cửi lạnh
Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em.

Chờ mãi anh sang, anh chẳng sang.
Thế mà hôm nọ hát bên làng
Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn
Để cả mùa xuân cũng lỡ làng.

Mình em lầm lỗi trên đường về
Có ngắn gì đâu một dải đê
Áo mỏng che đầu mưa nặng hạt
Lạnh lùng thêm tủi với canh khuya.

Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay
Hoa xoan đã nát dưới chân giày
Hội chèo làng Đặng về ngang ngõ
Mẹ bảo : "Mùa xuân đã cạn ngày"

Anh ạ ! Mùa xuân đã cạn ngày
Bao giờ em mới gặp anh đây ?
Bao giờ hội Đặng đi ngang ngõ
Để mẹ em rằng: hát tối nay ?

LỜI BÌNH CỦA ANH NGỌC:

Trong cuốn Thi nhân Việt Nam, khi so sánh các nhà thơ cùng viết về thôn quê, Hoài Thanh và Hoài Chân đã có một nhận xét: "Nguyễn Bính nhà quê hơn cả nên chỉ ưa sống trong tình quê mà ít để ý đến cảnh quê" (trang 175). Nhận xét ấy thật chính xác và tinh tế. Tuy nhiên đó là nói chung, còn nhìn riêng từng bài thì liều lượng giữa tình và cảnh không phải đều như nhau. Chẳng hạn trong Mưa xuân, tôi cho rằng cảnh chiếm một phần rất quan trọng trong việc tạo nên hiệu quả của bài thơ, nói một cách tương đối thì ở đây ít ra tỉ lệ giữa tình và cảnh cũng là 5-5.
Bài thơ là một câu chuyện tình cảm, hay đúng hơn là một mối cảm tình mới nhóm, diễn ra trên cái nền của một làng quê vào cữ mưa xuân. Cảnh trí ở đây được dùng làm đất sống cho câu chuyện tình và đến lượt câu chuyện tình lại tạo nên phần hồn cho cảnh. Và như thế cảnh và tình trong Mưa xuân đã quyện vào nhau như xác với hồn, để cùng tạo nên bức tranh quê chân thực và sống động, mang đậm dấu ấn Nguyễn Bính.
Nói rằng vai trò của cảnh trong bài này rất quan trọng là vì nó có một giá trị độc lập. Đành rằng đã là văn chương thì ở đâu cảnh hay chuyện hay có là gì đi nữa rốt cuộc cũng đều để gửi cái tình, nhưng đôi lúc cái dụng công của tác giả ngỡ như chia đều cho tình lẫn cảnh, hoặc tình lẫn chuyện v.v... đến nỗi ta không biết cái nào là chính, cái nào là phụ. Cũng tựa như trong tác phẩm điện ảnh lừng danh “Titanic” gần đây: Để tái hiện lại vụ đắm tàu thế kỷ, các tác giả đã dựng lên một câu chuyện tình cảm động - rốt cuộc thì ấn tượng nào mạnh hơn, câu chuyện tình hay vụ đắm tàu? Tuỳ vào cách cảm nhận của từng người xem, nhưng tựu trung có lẽ là cả hai, cái nọ nâng đỡ cho cái kia.
So sánh trên rõ ràng là khập khiễng, nhưng ngõ hầu cũng giúp ta nhận chân ra sự đan cài tinh vi của cặp giá trị tình và cảnh trong một bài thơ vốn cũng chẳng có gì khó hiểu như Mưa xuân.
Trước hết, xin nói về tình. Nhân vật trong thơ là một cô gái mới lớn, mà lại là gái quê, quen sống khép kín trong những lề thói, gia phong chặt chẽ:
Lòng trẻ còn như cây lụa trắng
Mẹ già chưa bán chợ làng xa.
Từ bán được dùng ở đây - hiển nhiên là để hợp với văn cảnh: như cây lụa trắng đã gợi lên khá đầy đủ cái thân phận và tâm thế của người con gái xưa, nghe tội nghiệp và đầy thương cảm. Trong cái thế giới khép kín ấy, nào ai biết được có nỗi niềm gì xao động, có mối vấn vương nào có thể len được vào, nếu như không có những giọt mưa xuân ấy chợt đến, một hôm bỗng giăng mắc đầy trời. Bởi cùng với những giọt mưa xuân phơi phới bay và những cánh hoa xoan rụng vơi đầy ấy là mùa xuân đã đến. Mùa xuân của đất trời và vạn vật đang tưng bừng sống lại sau những ngày đông tàn cũng đánh thức luôn nhịp hồi sinh trong con người, mùa ăn chơi, mùa tháng rộng ngày dài đầy rạo rực. Tiếng trống chèo thân thuộc ngàn năm trên mảnh đất này lại vang lên trên những sân đình. Hội chèo làng Đặng, hát ở thôn Đoài... Những địa danh chỉ nghe qua đã đủ gợi hồn quê kiêng. Những đám hội ở thôn quê luôn vui như... hội, bởi vì người ta đâu chỉ được xem hát, xem trò, được thưởng thức nghệ thuật, mà có lẽ còn quan trọng hơn thế - đấy là nơi gặp gỡ, giao cảm, nơi tìm kiếm và hẹn hò của những lứa đôi.
Bởi thế, chỉ mới nghe mẹ bảo thôn Đoài hát tối nay, cô gái quê e ấp kín đáo bỗng biến đổi, linh động hẳn lên: Cô chợt dừng tay dệt vải, má chợt ửng hồng, đầu óc một phút lơ lãng đi đâu, và cái hành vi rất thực và rất gợi này:
Em ngửa bàn tay trước mái hiên
Mưa chấm bàn tay từng chấm lạnh
Hành vi, cảnh trí, những biểu hiện bề ngoài ấy là nhằm để tả tình, hẳn thế rồi. Để ý một chút ta sẽ thấy tác giả vận dụng rất khéo cái quy luật :người buồn cảnh có vui đâu bao giờ, khi so sánh hai tâm thế diễn ra hầu như đối chọi nhau trước cùng một cảnh, ấy là khi cô gái rạo rực hy vọng đi đến với đêm hội:
Mưa nhỏ nên em không ướt áo
Thôn Đoài cách có một thôi đê.
Nhưng khi cô không gặp được chàng trai, thất vọng tràn trề, cô quay về, thì:
Có ngắn gì đâu một dải đê !
Áo mỏng che đầu mưa nặng hạt
Và cả mùa xuân nữa, với mưa xuân, với hoa xoan và "hội chèo làng Đặng đi qua ngõ..." mới hôm nào như những sử giả mang hy vọng đến, giờ cũng theo lòng người mà lạnh giá, tàn tạ, thê lương: Mưa xuân đã ngại bay, hoa xoan đã nát dưới chân giày (tả cảnh quê xưa mà dùng chữ giày có vẻ không hợp, nhưng kể cũng không sao), hội chèo làng Đặng đã về qua ngõ, và mùa xuân thì đã cạn ngày. Cạn ngày là sắp hết, nhưng lối dùng từ bằng hình ảnh cụ thể của dân gian này gây ấn tượng hơn, và cũng hồn nhiên hơn.
Nhưng cái thất vọng của người nhà quê cũng hiền lành hơn cái tuyệt vọng tê tái của người trí thức thị thành, bởi là người lao động khoẻ mạnh về thế xác nên tâm hồn họ cũng thường lành mạnh. Mùa hội đã qua, người tình đã xa, cô gái quê buồn nhưng không tuyệt vọng:
Bao giờ em mới gặp anh đây ?
Bao giờ hội Đặng đi ngang ngõ
Để mẹ em rằng : hát tôi nay ?
Còn nghi vấn là còn chờ đợi. Mà còn chờ đợi là vẫn còn hy vọng.
Đây là tất cả câu chuyện tình trong bài thơ.
Nhưng nội hàm của bài thơ này không chỉ có thế. Nó còn một vế nữa, tồn tại độc lập. Ấy là vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên của làng quê Việt Nam, mà ở đây là miền Bắc, từ đèo Hải Vân trở ra. Sở dĩ tôi đám nhấn mạnh cụ thể như vậy là vì những chất liệu thực trong bài thơ cho phép ta nhận ra đặc thù không thể lẫn của thời tiết, khí hậu và cảnh sắc của miền Bắc, nó rất khác với miền Nạm, do cấu tạo địa lý của đất nước ta, đặc biệt là vào cữ Đông - Xuân. Ấy là những cảnh giá lạnh, ẩm ướt, bầu trời thật thấp và âm u, với loài hoa xoan màu trắng tím nở thành chùm, thành ngù như lẫn vào mây trắng, và sương mù, thứ hơi nước lãng đãng bốc lên từ hồ, ao, nửa như mây, nửa như mưa, huyền hoặc vô cùng, thêm một bước nữa - quá mù ra mưa, thì đó là thứ mưa bụi, hay mưa phùn, hay cũng là mưa bay, mưa lay phay, thứ mưa không ướt áo, mưa không ướt đất ấy thực là một vẻ đẹp mê hồn và là đặc thù của mùa xuân đất Bắc mà bao người đi xa vẫn nhớ đến nao lòng. Tôi đồ rằng thì sĩ Nguyễn Bình, một con người nhà quê hơn cả như đã nói ở trên, chắc sinh thời cũng phải mê đắm cảnh mưa xuân miền Bắc lắm lắm, bởi ông đã nhiều lần đem theo mưa vào thơ cùng với hồn mình, mà đem một cách thiết tha, âu yếm vô cùng. Lòng yêu cảnh ấy trong Mưa xuân đã thành ra một chủ đề độc lập của bài thơ, một chủ âm, một giai điệu chính, hoặc đúng hơn, là một nhân vật của thơ. Ta không còn biết ở đây là mượn mưa xuân để gửi câu chuyện tình, hay chính là mượn câu chuyện tình để thổi hồn vào cảnh mưa xuân. Có lẽ là cả hai. Người đọc thơ vừa có cái thú được ngắm màn mưa bụi như sương khói vẫn phủ trên những bờ tre, mái rạ, hay trên những cánh đồng lúa thì con gái xanh mơn mởn, lại thú hơn nữa được bàn tay ai vén bức màn mưa và màu xanh ngỡ như ngàn năm bất động, bất biến kia để gặp gỡ với những con người chân quê đôn hậu, được nghe những tâm sự thầm kín, những khát khao, những hy vọng, thất vọng, rồi lại hy vọng của những tình yêu da diết. Và với những ai có gốc gác thôn quê, thì đấy sẽ là cuộc viếng thăm lại cố hương trong chốc lát. Đó chẳng phải là một hạnh phúc thật quý giá hay sao ?
A.N.

P.S. – Chân dung nhà thơ Nguyễn Bính
- Nguyễn Bính và người vợ Người Nam Bộ
- A.N. trò chuyện với nhà thơ nữ Nguyễn Bính Hồng Cầu (con gái của nhà thơ Nguyễn Bính), trên đỉnh Bà Nà, trong chuyến tham quan của các nhà văn, nhà thơ dự Cuộc gặp gỡ của các nhà văn, nhà thơ ba nước Đông Dương tại Đà Nẵng, 9-2011.
A.N.

4 nhận xét:

  1. Một bài viết chừng mực,cảm nhận riêng rất hay !

    Trả lờiXóa
  2. Có phải lời bình là của nhà thơ đã viết bài thơ sau không anh?

    VỊ TƯỚNG GIÀ
    Những đối thủ của ông đã chết từ lâu
    Bạn chiến đấu cũng chẳng ai còn nữa
    Ông ngồi giữa thời gian vây bủa
    Nghe hoàng hôn chầm chậm xuống quanh mình.
    Bàn chân đi qua hai cuộc chiến tranh
    Giờ chậm rãi lần theo dấu gậy
    Đôi bàn tay nhăn nheo run rẩy
    Đã từng gieo khủng khiếp xuống đầu thù.
    Trong góc vườn mùa thu
    Cây lá cũng như ông lặng lẽ
    Tám mươi tuổi ông lại như đứa trẻ
    Nở nụ cười ngơ ngác thơ ngây.
    Ông ra đi
    Và…
    Ông đã về đây
    Đời là cuộc hành trình khép kín
    Giữa hai đầu điểm đi và điểm đến
    Là một trời nhớ nhớ với quên quên.
    Những vui buồn chưa kịp gọi thành tên
    Cõi nhân thế mây bay và gió thổi
    Bầy ngựa chiến đã chân chồn gối mỏi
    Đi về miền cát bụi phía trời xa.
    Ru giấc mơ của vị tướng già
    Có tiếng khóc xen tiếng cười nức nở
    Một chân ông đã đặt vào lịch sử
    Một chân còn vương vấn với mùa thu”

    Trả lờiXóa
  3. Thực tâm,mình cũng chưa được đọc bài này,nên cũng không biết có phải của NHÀ THƠ ANH-NGỌC không . Khi nào tìm hiểu được,mình sẽ nói cho bạn sau nhé !

    Trả lờiXóa