Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2012


TRỞ LẠI ĐƯỜNG 10

Đường 10 là con đường nối từ huyện Xuân Lộc qua Cam Đường,qua Long Thành - nơi căn cứ tỉnh ủy Biên Hòa của chúng tôi đóng - rồi thẳng về tp Biên Hòa.Con đường chạy qua vùng giáp ranh của ta và địch.Nơi đây có ấp Bình Sơn gồm đa số là dân từ Quảng Nam - Đà Nẵng và Nghệ An di cư vào sau 1954 để làm nghề trồng và cạo mủ cao su cho các đồn điền người Pháp.Họ sống trong ấp chiến lược của Ngụy quyền,nhưng lòng họ hướng về chính quyền Mặt trận giải phóng Miền Nam VN.Họ đã tham gia cách mạng bằng cách tiếp tế cho cán bộ giải phóng trong căn cứ tỉnh ủy tại Suối Quýt huyện Long Thành tỉnh Đồng Nai.Sáu năm sau giải phóng,chúng tôi mới có dịp trở lại thăm đất cũ...Bài thơ ra đời trong hoàn cảnh ấy.Đó là tâm sự của người cũ về thăm đất cũ,người xưa .Xin được kính tặng nhân dân Bình Sơn Long Thành Đồng Nai và các chiến hữu cùng thời gian khổ và oanh liệt ấy !
 Con đường 10 chính là con đường mũi quân ta từ Đà Nẵng đánh qua Xuân Lộc qua đây để về Biên Hòa (cả bộ binh lẫn xe tăng).Tôi may mắn được chứng kiến những ngày hậu cần và công binh của ta về “MÓC” gạo từ cơ sở Bình Sơn chở vào chất đống như núi ,rồi che bạt ngụy trang ngay bên cạnh chỗ tôi ở Rồi vận động mọi người dọn đường dưới rừng để ÉM sẵn xe tăng. Chiều 26 tháng 4 ,chúng tôi được lệnh chuẩn bị theo quân giải phóng ra tiếp thu huyện lỵ Long Thành .Thế là từ 27 tháng 4 trở đi,bọn tuyên huấn chúng tôi được bám theo sau QGP,được hòa vào dòng thác người cuộn về Long Thành ngày 28-4 và Biên Hòa ngày 1-5
Bài  thơ TRỎ LẠI ĐƯỜNG 10 gợi lại khí thế ngày giải phóng tại đấy và nói lên tâm tư của mình đối với vùng căn cứ cũ .Xin đăng lại bài thơ này để góp mặt cùng anh Phong và chú Nguyệt với tư cách là “người trong cuộc”mừng ngày đại thắng.
Bài thơ này rút trong tập TÌNH YÊU MÙA GẶT nxb ĐỒNG NAI năm 1983.Các phần bài thơ như sau:

Từ Xuân Lộc sang Long Thành
Con đường 10 rẽ vào căn cứ cũ
Rẽ vào xã Bình Sơn cạo mủ
Xã giáp ranh thức ngủ với chiến trường
Mắt nhìn thẳng đối phương
Lòng hướng về cách mạng
Lô cao su nuôi sống cánh rừng già
Bằng những cà-mèn gạo phủ cơm trên mặt*
Khi qua mắt quân thù
Bằng sức trẻ thanh niên tải đạn tự chiến khu
Nuôi sống một dải chiến trường
Bằng giọt máu yêu thương gửi vào chiến dịch
Bằng những đội du kích
Mang biệt danh A,B…

Từ các ngả đổ về
Đường 10 thành sông lớn
Rất trẻ,rất gan
Chảy xiết từ Quảng Nam – Đà Nẵng
Những pháo lớn,xe tăng tắm mình trong nắng
Cuộn về hướng Long Thành
Có một dòng sông chảy rất hiền lành
Từ Bình Sơn đổ tới:
Dòng gạo trắng và dòng người phấn khởi
Đón mừng mùa-nước-lên
Sẵn sàng bỏ quên
Gia tài trong lòng địch
Tất cả đầu tư cho mục đích:
GIẢI PHÓNG HOÀN TOÀN MIỀN NAM…

Những người dân Đà Nẵng,Quảng Nam
Gặp gỡ đồng hương trong đại quân hùng hậu
Những đốm lửa ỉ âm nung nấu
Trong kẽm gai quân thù
Cháy bùng lên trước gió…
Nơi gặp gỡ những dòng sông thắm đỏ
Là chính nơi đây – Đường 10

Hợp nhất rồi,dòng nước cuộn trôi
Những trực thăng điên cuồng nhả đạn
Những “Hổ vằn”,”Hổ xám”**
Những bốt đồn và những rào gai…
Sóng ở Tam An cũng rộn rã đổ rồi !

Đường 10 ,Đường 10 ơi
Người nâng bước những đoàn quân chiến thắng
Người rực rỡ như dòng sông chở nắng
Tới Long Thành,Biên Hòa và Thành Phố Hồ Chí Minh

Sáu năm qua đất nước có hòa bình
Đường 10 hóa dòng sông xanh biếc
Sóng lá vỗ hai bên bờ tha thiết
Niềm vui ươm trong nõn đậu,nõn mì ***
Dòng nhựa trắng cao su ấp ủ điều chi
Mà sóng sánh trong chén đầy,lô mới
Nóc Sở ngày xưa cờ đỏ bay phấp phới
Tiếng tầm vào ca vời vợi cánh rừng
Gặp lại má nuôi tủi tủi mừng mừng
Tôi im lặng nghe má hờn,má giận:
--     Má biết lắm – các con còn rất bận
Nhưng chẳng nhẽ đã quên một quãng đường 10
Quãng đường đã đi qua là quãng phải trở lui
Khi đã đến đích rồi , con ạ !

Lời má nói vẫn là thương yêu đó
Từ thuở qua đường 10

Trời Biên Hòa rực rỡ nắng tinh khôi
Cái nắng tự Đường 10 chở đến
Ơi sắc nắng cho lòng ta xao xuyến
Nhớ khôn nguôi về một quãng đường đời !...

Long Thành 8-1981 TD


*Dân tiếp tế cho cán bộ CM bằng cách cho gạo
Vào dưới ca-men rồi phủ cơm lên trên coi như mang
Cơm vào rẫy ăn trưa..để qua mắt địch
**Biệt danh bọn biệt kích,ác ôn
***nõn cây sắn ăn củ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét